Nhiều sản phẩm cây ăn quả của HTX nông nghiệp Gia Phúc được chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đánh giá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Phát triển trang trại cây ăn quả theo tiêu chuẩn “5 không”
7 sản phẩm cây ăn quả của HTX nông nghiệp Gia Phúc được Công ty chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đánh giá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Trang trại của HTX nông nghiệp Gia Phúc, xã Thường Nga là một trong những trang trại đầu tiên của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh áp dụng sản xuất cây ăn quả theo hướng hữu cơ. Trên diện tích rộng 30 ha, chủ trang trại đã trồng hơn 15.000 cây cam, bưởi, ổi, thanh long… theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn, chất lượng ngày càng lớn của người tiêu dùng, từ năm 2020, trang trại đã chuyển dần sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, áp dụng tiêu chuẩn “5 không” gồm: không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, không thuốc diệt cỏ, không sử dụng hóa chất và không thuốc kích thích. Tất cả được thay thế bằng chế phẩm sinh học, sản xuất từ cá, đậu nành, cám gạo, trái cây ủ với men vi sinh để tưới cho cây trồng.
Ông Lê Văn Ngọc, Kỹ thuật viên HTX Nông nghiệp Gia Phúc, xã Thường Nga, huyện Can Lộc
Chúng tôi dùng các vi sinh hữu cơ như bột đậu nành, cám gạo, rỉ mật ủ trong 1 tuần rồi đưa ra phun cho cây, 5 ngày hoặc 7 ngày 1 lầm. Thức ăn ủ đó bón cho cây để trừ sâu bệnh cho cây trên các vườn này.
Lâu nay, đa phần nông dân vẫn lạm dụng phân bón hóa học để chăm sóc cây ăn quả. Cách làm này mang lại lợi ích tức thời, giúp cây phát triển nhanh nhưng sẽ làm cho đất ngày càng nghèo dinh dưỡng và gây ra hiện tượng chai đất, cây cối cằn cỗi và nguy hại nhất là tạo ra sản phẩm không an toàn. Để sản xuất theo hướng hữu cơ – organic, thì phân hữu cơ phải được sử dụng trong cải tạo đất và bổ sung dinh dưỡng. Theo đó, HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã xây dựng kho phân hữu cơ 1.000m2, quy mô ủ 1.000 tấn phân/năm để chủ động nguồn phân bón quanh năm. Ngoài ra, HTX còn đầu tư hạ tầng, kỹ thuật nuôi giun quế để phục vụ sản xuất theo quy trình khép kín tuần hoàn. Toàn bộ lượng phân từ trại lợn và các hoa quả bị hư hỏng được dùng làm thức ăn cho giun quế. Phân của giun quế sau đó được sử dụng trở lại để bón cho cây trồng. Với những nỗ lực bền bỉ, đến cuối năm 2022, 7 sản phẩm của HTX gồm: cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo và ổi trồng trên diện tích 25 ha đã được công ty chứng nhận và kiểm nghiệm FAO đánh giá phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.
Ông Lê Vạn Hải, Giám đốc HTX Nông nghiệp Gia Phúc, xã Thường Nga, huyện Can Lộc.
Hàng năm chỗ đơn vị chứng nhận hữu cơ độc lập sẽ lấy mẫu đất, nước, lá, quả định kỳ. Hàng năm phải cấp lại chứ không phải cấp 1 lần là được hữu cơ đâu. Bắt buộc lấy mẫu phân tích nếu mình làm ẩu thì mẫu nước, đất, mẫu cây, quả không được thì người ta sẽ cắt chứng nhận đấy.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một trong những quy trình khó, đòi hỏi phải chuẩn hóa ở tất cả các khâu như nước, giống, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, đóng gói. Các mô hình sản xuất hữu cơ đã mang lại những ưu điểm vượt trội như: hạn chế tình trạng thoái hóa đất, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, bảo đảm hệ sinh thái bền vững, góp phần tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Từ những so sánh về ưu điểm và hạn chế, ngoài HTX nông nghiệp Gia Phúc, hiện nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã chuyển đổi quy trình và nhân rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.