Sâm Nam núi Dành là loại dược liệu quý có hàm lượng hoạt chất chống lão hoá chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh, đem lại thu nhập tiền tỷ cho người trồng.
Từ trước năm 2021, trên diện tích gần 3ha, ông Nguyễn Văn Nghĩa, xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang chỉ trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi. Vậy nhưng những loại cây trồng này đều kém hiệu quả và phát triển không được như kỳ vọng. Bởi vậy, đến năm 2021, ông Nghĩa đã mạnh dạn chặt bỏ và chuyển sang trồng sâm Nam núi Dành. Theo đúng chu kỳ thì thu hoạch củ phải mất thời gian 5 năm. Vậy nhưng, trong khoảng thời gian đó thì mỗi năm đều cho 1 vụ thu hoạch hoa sâm. Bước đầu mang lại thu nhập cao.
Ông NGUYỄN VĂN NGHĨA
Xã Đồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang
Từ lúc trồng đến lúc thu hoạch có thể thu hoạch 4-5 vụ hoa và có thể lấy lại được số tiền mình đầu tư. Tính toán nếu thuận buồm xuôi gió thì giá trị mang lại có thể gấp nhiều lần, gấp 5-7 lần như trồng cây khác. Ví dụ trồng 1ha bạch đàn, tất nhiên đầu tư chăm sóc ít hơn. Nhưng sau 5 năm thu hoạch thì giỏi cũng thu nhập được 200 triệu. Nhưng nếu 5 năm 1ha sâm này, mức độ đầu tư của nó có thể gấp 10-15 lần. Nhưng nếu thuận buồm xuôi gió có thể là 8 tấn củ, thấp nhất là 600 nghìn/kg.
Sâm Nam núi Dành vốn là loại dược liệu quý hiếm, có hàm lượng Saponin tương đương với sâm của Hàn Quốc. Theo Đại Nam nhất thống trí: loài sâm Nam quý hiếm có trên núi Dành nằm trên địa bàn 2 xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên. Núi Dành xưa thường gọi là Núi Chung Sơn, phần lớn diện tích núi nằm trên địa bàn xã Liên Chung và một phần của xã Việt Lập của huyện Tân Yên.
Theo thời gian, loại dược liệu quý này ngày càng khan hiếm. Để bảo tồn và nhân giống sâm Nam núi Dành, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã tìm ra cây sâm tổ có nguồn gốc từ núi Dành, tại gia đình ông Thân Hải Đăng. Từ đây, loại dược liệu này đã được nhân rộng, dần trở thành loại cây phát triển kinh tế.
Ông THÂN HẢI ĐĂNG
Giám đốc HTX sản xuất, tiêu thụ sâm Nam núi Dành, tỉnh Bắc Giang
Từ khi có cây sâm thì diện mạo nông thông thay đổi rõ rệt. Ví dụ n hiều người quan tâm, tìm hiểu, mua giống về trồng cũng như phát triển cây sâm. Các hộ trồng cây sâm đều có giá trị kinh tế cao. Năm 2022 vừa rồi nhà có thu nhập thấp nhất từ hoa, củ cũng phải là 200 triệu, có những hộ trồng nhiều thì thu nhập có thể trên 1 tỷ.
Năm 2021, Cục sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm núi Dành. Nhằm phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu, ngành nông nghiệp Bắc Giang đã quy hoạch: "Định hướng phát triển sản xuất cây dược liệu từ năm 2021 đến năm 2030", trong đó có quy hoạch phát triển cây sâm núi Dành tại huyện Tân Yên. Đến nay, sản phẩm sâm Nam núi Dành đã được công nhận OCOP 4 sao của tỉnh Bắc Giang.
Ông VŨ TRUNG KIÊN
Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Bắc Giang
2 năm qua, trung tâm đã liên kết với công ty để bao tiêu đầu ra là hoa và củ sâm cho bà con. Đây là 1 trong những nội dung trong chuỗi giá trị theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. 2 năm qua trung tâm cũng đã kết hợp với công ty bao tiêu đầu ra trên diện t ích 20ha trên địa bàn toàn tỉnh.
Ông LÊ BÁ THÀNH
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang
Hiện, sâm núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang. Khi địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gene sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế đị phương. Đồng thời việc tiếp tục hỗ trợ cho người dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số triển khai Dự án để phát triển sản phẩm sâm núi Dành sẽ mang lại nhiều sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu sâm núi Dành.