Công ty mía đường Sơn La nâng cấp, đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tận dụng một phần phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường từ cây mía làm ra sản phẩm phân hữu cơ vi sinh, tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu tác hại tới môi trường.
Làm phân vi sinh từ phế phụ phẩm sản xuất mía đường
Hàng nghìn tấn phân vi sinh đã được làm ra từ những phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất mía đường.
Quá trình sản xuất đường từ cây mía sẽ sinh ra một số phụ phẩm như bã mía, mật rỉ, bùn lọc… Đây là các chất thải hữu cơ, không gây độc hại về mặt hóa chất nhưng nếu không được xử lý thì có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng tới môi trường. Nhận thấy nguy cơ đó, trong những năm qua, Công ty cổ phần mía đường Sơn La đã nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chủ động tận dụng một phần phế phụ phẩm trong quá trình sản xuất đường từ cây mía.
Theo đó, khi nước mía đi vào thiết bị lắng nhanh, các tạp chất trong nước mía tạo kết tủa lắng xuống đáy, gọi là nước bùn được đưa vào máy lọc chân không để lọc tách bùn ra khỏi dây chuyền với sản lượng ước tính 20.000 tấn – một phần lượng bùn này được đưa đi sản xuất phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng. Ngoài ra, phần tro khi đốt bã mía phục vụ cung cấp điện cho nhà máy cũng sẽ được tận dụng để làm thành phân bón. Qua đó, tối đa hóa lợi nhuận từ cây mía và giảm thiểu tác hại tới môi trường.
Chị NGUYỄN THỊ QUYÊN - Xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, Sơn La
Công ty mía đường hỗ trợ là phân vi sinh, mình thấy bón lót thấy tốt, năng suất và cây cũng xanh. Tất tần tật hỗ trợ như bây giờ thì công ty hỗ trợ 2 tấn phân/ha, trị giá tầm 6 triệu/ha.
Ông NGUYỄN VĂN TÀI - Giám đốc nhà máy chế biến, Công ty cổ phần mía đường Sơn La
Về các chất phụ phẩm thì chúng tôi xây dựng nhà máy chế biến phân bón làm ra những sản phẩm phân hữu cơ, phân vi sinh, cung cấp lại cho bà con nông dân để tái tạo, cải tạo đất, ở đây trong chuỗi sản xuất mía đường thì các sản phẩm đều được tận thu và tái sử dụng.
Phân phức hợp hữu cơ vi sinh có công dụng tăng cường hữu cơ cho đất, cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, tăng khả năng kháng sâu bệnh, chịu hạn, kích thích phát triển cho cây mía, tăng năng suất từ 10-15%. Trong niên vụ 2023 – 2024, Sản lượng mía dự kiến đưa về nhà máy mía đường Sơn La là 520.000 tấn. Cùng với đó, đơn vị này cũng có kế hoạch sản xuất khoảng 6.000 tấn phân vi sinh để phục vụ bà con bón lót trong vụ mía sắp tới.