Xuất khẩu cá ngừ tháng 10 lập đỉnh sau hơn 2 năm. Quảng Bình giám sát gần 150 tàu cá ngoài tỉnh xuất bến. Sâu, bệnh tấn công hàng trăm ha cây có múi tại Hà Tĩnh. Nghệ An gieo trồng 34.690ha cây trồng vụ đông.
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ THÁNG 10 LẬP ĐỈNH SAU HƠN 2 NĂM
Quỳnh Anh khai thác
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 10 đạt gần 93 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Tính lũy kế 10 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt hơn 821 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong 25 tháng quá, giá trị xuất khẩu cá ngừ theo tháng đã đạt mức hơn 90 triệu USD. Và nếu duy trì được đà tăng trưởng này, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có khả năng kết thúc năm 2024 với tổng kim ngạch đạt khoảng 1 tỷ USD, tăng 18%. Tại các thị trường, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính đều tăng trong tháng 10, trừ EU và Hàn Quốc.
Tin 2
QUẢNG BÌNH GIÁM SÁT GẦN 150 TÀU CÁ NGOÀI TỈNH XUẤT BẾN
Tâm Phùng - Tâm Đức
Những ngày cuối tháng 10, hàng trăm tàu cá của ngư dân các tỉnh đã vào tránh trú bão số 6 tại khu neo đậu Cảng Gianh (Quảng Bình). Qua công tác kiểm đếm, lực lượng chức năng đã phát hiện khoảng 150 tàu cá thiếu các thủ tục giấy tờ hợp pháp.
UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các lực lượng Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình phối hợp thực hiện giám sát, kiểm tra và chỉ cho phép tàu có đầy đủ thủ tục mới được xuất nến.
Được biết, những tàu cá đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều tàu cá thiếu các giấy tờ như giấy phép khai thác, đăng kiểm, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng… Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các chủ tàu bổ sung đầy đủ các loại giấy tờ để đảm bảo cho tàu cá được xuất bến theo quy định.
Thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao đã tạo môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây ăn quả có múi. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, thống kê sơ bộ hiện đã có hơn 230 ha cây ăn quả có múi đã bị các đối tượng sâu bệnh gây hại.
Cụ thể, diện tích nhiễm sâu đục thân, đục cành, sâu vẽ bùa gần 40 ha; ruồi đục quả, nhện nhỏ gây hại trên 172 ha; diện tích nhiễm bệnh chảy gôm khoảng 20ha, phân bố tại các huyện Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê và Can Lộc. Dự báo thời gian tới, các đối tượng sâu bệnh trên sẽ tiếp tục phát triển, gây hại trên diện rộng, đặc biệt bệnh chảy gôm, sâu và ruồi đục quả. Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm vườn, tiến hành đốn bỏ cành bị bệnh để loại bỏ mầm bệnh trong vườn.
Tin 4
NGHỆ AN GIEO TRỒNG 34.690 HA CÂY TRỒNG VỤ ĐÔNG
Việt Khánh sản xuất
Thời gian triển khai ngắn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao, từ lợi thế đó những năm gần đây tỉnh Nghệ An rất chú trọng phát triển cây trồng vụ đông thông qua những chủ trương, chính sách hỗ trợ để tạo động lực kích cầu.
Năm 2024 Nghệ An phấn đấu gieo trồng 34.690 ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó diện tích trên đất bãi ven sông khoảng 8.650 ha, đất màu ven biển 4.700 ha, đất lúa 2.295 ha và diện tích trên đất màu đồng khoảng 19.045 ha.
Quá trình thực hiện sẽ căn cứ vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý và trình độ thâm canh của từng vùng để chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất các cây trồng sát với thực tế nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Trên đất bãi ven sông, ven biển cần tập trung mở rộng, phát triển những diện tích rau lấy củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao như bí xanh, bí đỏ, dưa chuột, khoai tây, ngô ngọt. Với những vùng chuyên canh sản xuất cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền để từng bước mở rộng quy mô theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm.