Việt Nam chi gần 2,9 tỷ USD nhập khẩu hạt điều. Trung Quốc ngày càng ưa chuộng rau quả Việt Nam. Na sầu riêng ra trái ngọt trên đất lúa kém hiệu quả. Sẽ có sổ tay về tín chỉ carbon rừng.
VIỆT NAM CHI GẦN 2,9 TỶ USD NHẬP KHẨU HẠT ĐIỀU
Quỳnh Anh khai thác
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu hạt điều về Việt Nam trong tháng 10 đạt hơn 141 nghìn tấn, trị giá hơn 220 triệu USD, giảm 16,9% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với tháng trước đó.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, nhập khẩu hạt điều cán mốc hơn 2,3 triệu tấn, trị giá hơn 2,89 tỷ USD, giảm 8,5% về lượng và giảm 1,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Xét về thị trường, Campuchia là nhà cung cấp hạt điều lớn nhất của Việt Nam với sản lượng hơn 815 nghìn tấn, trị giá hơn 1,06 tỷ USD, tăng 33% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong bối cảnh các vườn điều của nước ta già cỗi, việc trẻ hóa cần nhiều thời gian thì việc nhập khẩu hạt điều về chế biến rồi xuất khẩu là giải pháp quan trọng để duy trì sự tăng trưởng của ngành này. Năm 2023, xuất khẩu điều mang về nguồn ngoại tệ 3.64 tỷ USD. Đây là kết quả cao nhất trong những năm vừa qua.
TRUNG QUỐC NGÀY CÀNG ƯA CHUỘNG RAU QUẢ VIỆT NAM
Quỳnh Anh khai thác
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu.
Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn mỗi năm. Do đó, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới nói chung và cho Trung Quốc nói riêng. Hiệp hội cũng lưu ý các doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào Trung Quốc cần nắm bắt thời vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc … Ngoài ra, cần chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía Bắc Trung Quốc như: Sơn Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải…
NA SẦU RIÊNG RA TRÁI NGỌT TRÊN ĐẤT LÚA KÉM HIỆU QUẢ
Kim Anh sản xuất
Na sầu riêng là mặt hàng nông sản mới hiện đang được nông dân xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ lựa chọn phát triển, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Nguyễn Thanh Toàn ở ấp Thạnh Lộc, xã Trung Thạnh trước đây vốn trồng lúa, thu nhập bấp bênh. Anh quyết định chuyển đổi 4.000m2 (4 công) đất lúa kém hiệu quả sang thử nghiệm trồng na sầu riêng.Đây là giống na mới, xuất xứ từ nước ngoài, mỗi trái na có trọng lượng từ 1 – 3kg, hình dáng gần giống trái sầu riêng nên được nhiều người gọi là na sầu riêng.Sau khoảng 2 năm trồng, na bắt đầu cho trái, mỗi năm thu hoạch được 1 vụ, kéo dài khoảng 4 tháng. Để bảo vệ phần gai bên ngoài trái na sầu riêng, quá trình canh tác anh Toàn tiến hành bao trái bằng xốp lưới mềm bên trong, sau đó bao thêm túi nilon chuyên dụng bên ngoài để bảo vệ trái không bị sâu bệnh và các loại sinh vật cắn phá, gây hại.Vụ đầu tiên thu hoạch, vườn na sầu riêng của anh Toàn cho sản lượng khoảng 3 tấn và có thể tăng gấp đôi trong những năm tiếp theo. Với giá bán từ 70.000 – 90.000 đồng/kg tại vườn, cao điểm dịp Tết lên đến 150.000 – 200.000 đồng/kg, mỗi năm anh Toàn có lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
SẼ CÓ SỔ TAY VỀ TÍN CHỈ CARBON RỪNG
Quỳnh Anh khai thác
Cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT) cho biết: mặc dù bước đầu đã thu được tiền từ hoạt động giảm phát thải carbon của rừng, song tín chỉ carbon là vấn đề mới và còn nhiều vướng mắc. Với dự án thí điểm tại 6 tỉnh duyên hải miền Trung và 5 tỉnh Tây Nguyên, trước hết cần xây dựng đường tham chiếu tức là đường carbon cơ sở tại mỗi tỉnh để làm mốc so sánh về lượng giảm phát thải. Ngoài ra, còn phải tổng hợp lượng phát thải carbon trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đó để so với lượng giảm phát thải carbon từ rừng, có khi “phải mua thêm quyền phát thải chứ chưa chắc đã bán được.
Do đó trong thời gian tới, các đơn vị cần thiết phải nghiên cứu xây dựng quyển sổ tay về vấn đề hỏi đáp tín chỉ carbon, đặc biệt là tín chỉ carbon trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp..