Nuôi cá nâu thương phẩm lãi 800 triệu đồng/ha/vụ. Người dân Cà Mau trồng nho trên đất mặn. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ rất thấp. Xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc được dự báo tăng mạnh.
NUÔI CÁ NÂU THƯƠNG PHẨM LÃI 800 TRIỆU ĐỒNG/HA/VỤ
THỰC HIỆN: VÕ DŨNG
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị vừa thực hiện thành công mô hình nuôi thâm canh cá nâu thương phẩm trên các hồ nuôi tôm thường xuất hiện dịch bệnh tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Sau 6 tháng nuôi, cá đạt kích thước 8 con/kg, nếu kéo dài thời gian nuôi 8 đến 10 tháng, sản lượng có thể đạt 5 tấn/ha. Với giá bán 350 đến 400 nghìn đồng/kg, chủ mô hình thu về trên 1,5 tỷ đồng/ha, lãi ròng khoảng 800 triệu đồng/ha/vụ.
Từ lâu, cá nâu đã được người dân các huyện ven biển nuôi xen ghép nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào nuôi thâm canh và bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Ngành chức năng khuyến cáo người dân, cá nâu dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian nuôi kéo dài. Vì vậy bà con cần ưu tiên vùng chống được ngập lụt, thả giống sớm để thu hoạch trước mùa mưa bão.
NGƯỜI DÂN CÀ MAU MẠNH DẠN TRỒNG NHO TRÊN ĐẤT MẶN
THỰC HIỆN: VĂN VŨ
Những năm gần đây, ở thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà mau, nhiều nông dân đã thành công khi mang giống nho về trồng trên đất mặn. Đến nay, cây nho vẫn phát triển tốt, cho trái đúng vụ, đạt năng suất cao.
Trên diện tích khoảng 1.000 m2 sẽ trồng được 1500 gốc nho, loại nho được trồng chủ yếu là nho đỏ, nho kẹo, nho Ba Ly và nho KiôHô. Bình quân 6 tháng, cây sẽ cho trái và khoảng 90 ngày sau cho thu hoạch. Mỗi dây nho bình quân thu được khoảng 20 kg, giá bán đạt khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Nho là loại cây ăn trái giàu chất dinh dưỡng, được nhiều người ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao nhưng phần lớn lượng nho tại Đầm Dơi lại chủ yếu được nhập về từ những vùng khác. Do đó, trong thời gian tới ngành chức năng sẽ tiếp tục khuyên khích để nhân rộng giống cây này, mở ra hướng đi mới cho người dân tại địa phương.
GIÁ GẠO XUẤT KHẨU CỦA ẤN ĐỘ RẤT THẤP
THỰC HIỆN: QUANG DŨNG
Giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ giảm tuần thứ 3 liên tiếp, xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do đồng rupee mất giá và nguồn cung tăng. Theo đó, gạo đồ 5% tấm của nước này được báo giá ở mức 440 đến 447 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2023 và giảm so với mức 442 đến 449 USD/tấn của tuần trước.
Hiện, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 440-450 USD/tấn.
Một nhà giao dịch tại Kolkata (ko – ka – ta) cho biết, đồng rupee đã giảm trong vài ngày qua, khiến giá xuất khẩu giảm. Theo nhà giao dịch này, nhu cầu từ các nước châu Phi mạnh vì hiện tại họ có thể mua gạo với giá thấp hơn nhiều so với một tháng trước.
Tháng trước, Ấn Độ đã bãi bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ và dỡ bỏ mức giá sàn 490 USD/tấn đối với gạo trắng không phải basmati để thúc đẩy xuất khẩu.
XUẤT KHẨU HỒ TIÊU SANG TRUNG QUỐC ĐƯỢC DỰ BÁO TĂNG MẠNH
THỰC HIỆN: QUANG DŨNG
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tháng 10/2024 Việt Nam xuất khẩu được 18.493 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 120,2 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng đạt 6.284 USD/tấn giảm 28 USD và tiêu trắng đạt 8.029 USD/tấn tăng 191 USD.
Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam đạt hơn 9.200 tấn, giảm đến 84% so cùng kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, sang đầu năm 2025, xuất khẩu hồ tiêu của nước ta sẽ thuận lợi nhờ nhu cầu mua từ thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tăng mạnh. Trong khi đó, sau vụ thu hoạch gần nhất của Indonesia thì đến tận tháng 2/2025, nguồn cung hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự bổ sung đáng kể. Đây được cho là yếu tố thuận lợi khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới 2025.