Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi để đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp tết. Khu bảo tồn đa dạng sinh học toàn quốc sẽ đạt 6,6 triệu ha. Biển Đông có khả năng đón thêm 2 cơn bão. Giá lương thực, thực phẩm tăng.
Tin 1
PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI ĐỂ ĐẢM BẢO NGUỒN CUNG THỰC PHẨM DỊP TẾT
Quỳnh Anh - Thanh Thủy thực hiện
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện 1.452 ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn 1.103 xã của 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số lợn buộc tiêu hủy là 81.030 con, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả Dịch tả lợn châu Phi, khôi phục sản phẩm, đảm bảo nguồn cung thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý. Xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu
Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tin 2
KHU BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TOÀN QUỐC SẼ ĐẠT 6,6 TRIỆU HA
Thanh Thủy - Quỳnh Anh thực hiện
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia. Quy hoạch nhằm mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, thành lập mới 61 khu bảo tồn, chuyển tiếp 178 khu bảo tồn hiện có, nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha. Ngoài ra, hệ thống sẽ hình thành thêm 7 hành lang đa dạng sinh học mới và 10 vùng đất ngập nước quan trọng cấp quốc gia. Đồng thời, hình thành hệ thống khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng gồm 22 khu vực, 10 cảnh quan sinh thái. Đây là các khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn các loài và nguồn gen quý hiếm, cũng như bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
Tin 3
BIỂN ĐÔNG CÓ KHẢ NĂNG ĐÓN THÊM 2 CƠN BÃO
Thanh Thủy - Quỳnh Anh thực hiện
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 - bão Yinxing từ tối và đêm nay 11/11 đến hết ngày mai ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa. Từ gần ngày mai đến ngày kia 13/11, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng xảy ra một đợt mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Từ đêm 13/11, mưa lớn giảm dần.
Người dân các vùng ven biển miền Trung, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, cần theo dõi sát tình hình bão và chuẩn bị các phương án ứng phó để giảm thiểu rủi ro.
Thông tin dự báo cũng cho biết, Ngoài bão số 7 (Yinxing) đang hoạt động trên khu vực Biển Đông, 2 cơn bão Toraji và Manyi cũng sắp đổ bộ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, còn 1 áp thấp nhiệt đới xen kẽ giữa 2 cơn bão này.
Tin 4
GIÁ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM TĂNG
Thanh Thủy - Quỳnh Anh thực hiện
Theo cơ quan thống kê, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 10/2024 tăng 0,55%, tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,79% (gạo tẻ ngon tăng 0,92%; gạo tẻ thường tăng 0,76%; gạo nếp tăng 0,75%). Một số mặt hàng lương thực tháng 10 như: giá khoai, ngô, bột ngô, ngũ cốc ăn liền... cũng ghi nhận mức giá nhích lên so với trước.
Tương tự như lương thực, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 10/2024 tăng 0,66%. Theo đó, giá nhóm rau tươi, khô và chế biến tăng 3% do nhu cầu tiêu dùng trong tháng tăng trong khi một số loại rau, củ, quả đã cuối vụ và thời tiết mưa, bão, ngập lụt tại nhiều địa phương ảnh hưởng đến nguồn cung.
Việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tháng 10 vừa qua có nguyên nhân chủ yếu từ tác động của bão mưa bão, thời tiết không thuận lợi diễn ra hồi tháng 9.