Tăng cường năng lực và khả năng chống chịu trước thiên tai. Bắc Kạn chi hơn 26 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi. Vườn cây ăn quả 17ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. 4 cá thể sếu đầu đỏ quay về Tràm Chim.
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC VÀ KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU TRƯỚC THIÊN TAI
Chia sẻ tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam thống nhất các quan điểm trong giai đoạn hiện nay về phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai như: Tăng cường hiểu biết về rủi ro liên quan đến khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi số. Thúc đẩy khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng. Đồng thời, tăng cường năng lực chống chịu của cộng đồng, đặc biệt ưu tiên các khu vực dễ bị tổn thương.
Song song với đó, các nước cũng cần tăng cường năng lực chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đối với những rủi ro liên quan đến khí hậu. Trong đó, đặc biệt lưu ý về các hệ thống dự báo, cảnh báo sớm; chuyển giao công nghệ thông qua các mô hình thử nghiệm.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu quốc tế và trong nước cũng cùng nhau thảo luận về tầm quan trọng của các giải pháp chủ động như: thu thập, quản lý và sử dụng thông tin rủi ro để phân tích và dự báo chính xác, thực hiện các hành động sớm để giảm tác động của thiên tai do lũ lụt và lũ quét….
Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/11.
BẮC KẠN CHI HƠN 26 TỶ ĐỒNG HỖ TRỢ NGƯỜI CHĂN NUÔI
THỰC HIỆN: NGỌC TÚ
UBND tỉnh Bắc Kạn vừa ban hành quyết định cấp bổ sung hơn 26 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh cho UBND các huyện, thành phố để hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi và bệnh Viêm da nổi cục năm 2024. Theo đó, tổng số hộ được hỗ trợ là gần 3.800 thuộc 8 huyện, thành phố, mức hỗ trợ đối với dịch tả lợn Châu phi là 38.000 đồng/kg, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò là 45.000 đồng/kg, mức hỗ trợ được thực hiện theo Nghị định số 02 ngày 09/01/2017 của Chính phủ.
Đây là hỗ trợ đợt 1, hiện nguồn kinh phí đã được phân bổ đến các huyện, thành phố. UBND tỉnh Bắc Kạn yêu cầu các đơn vị, địa phương sau khi tiếp nhận kinh phí khẩn trương thanh toán cho người dân để các hộ sớm có kinh phí tái đàn. Tại Bắc Kạn, từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại hơn 4.000 hộ chăn nuôi thuộc 102 xã của tất cả các huyện, thành phố, khối lượng lợn bị tiêu hủy hơn 749.000 tấn.
VƯỜN CÂY ĂN QUẢ HƯỚNG HỮU CƠ CHO THU NHẬP GẦN 1 TỶ ĐỒNG/NĂM
THỰC HIỆN: QUỐC TOẢN
Bà Nguyễn Thị Sanh (67 tuổi, ở khu phố 12, phường Bắc Sơn) sở hữu 17 ha đất trồng cây ăn quả canh tác theo hướng hữu cơ với các loại cây gồm: Cam canh, bưởi Diễn, bưởi da xanh, dứa.
Bà Sanh cho biết, vườn cây được thương lái ưa chuộng vì sản phẩm đảm bảo an toàn, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Thay vì sử dụng thuốc và phân bón hóa học, bà Sanh sử dụng các loại phân chuồng ủ mục và thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học để chăm sóc cây. Ước tính, vùng trồng cây ăn quả của bà Sanh cho thu nhập từ 5 - 6 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí, chủ vườn thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Với việc lựa chọn hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững, sản phẩm trái cây của bà Sanh chưa bao giờ ế hàng. Vườn cây ăn quả của bà còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.
4 CÁ THỂ SẾU ĐẦU ĐỎ QUAY VỀ TRÀM CHIM
THỰC HIỆN: LÊ HOÀNG VŨ – VĂN VŨ
Vườn quốc gia Tràm Chim nằm trong vùng lõi Đồng Tháp Mười, thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, với tổng diện tích 7.500 ha nằm trong địa giới của 5 xã như: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Phú Thọ và Thị trấn Tràm Chim với số dân trong vùng là trên 30.000 người.
Có thể nói Vườn quốc gia Tràm Chim là vùng đất “sáu tháng đồng khô cỏ cháy, sáu tháng nước ngập trắng đồng”. Đây là nơi phát triển của thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài khác nhau. Hệ động vật ở đây nổi bật với hệ chim nước giàu có gồm 233 loài, thuộc 25 chi, 49 họ. Trong đó, 88% được tìm thấy vào mùa khô, chiếm ¼ tổng số các loài chim đã phát hiện ở Việt Nam. Và đặc biệt là loài sếu đầu đỏ, lớn nhất trong họ Hạc – một tài sản thiên thiên vô giá của Vườn quốc gia Tràm Chim ở vùng Đất Sen hồng.
Từ năm 2024 tới nay, đã có 4 cá thể sếu quay về Tràm Chim. Ngoài ra VQG còn ghi nhận nhiều loài chim di cư quý hiếm rất quan trọng trong hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim như: giang sen (Cò lạo Ấn Độ): 120 cá thể, quắm đầu đen: 10 cá thể, già đẫy: 1 cá thể và hàng ngàn cá thể mòng két mày trắng trong cùng thời điểm.