Xuất khẩu nông sản có thể đạt 62 tỷ USD. Dư nợ tín dụng tại ĐBSCL đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD năm 2024. Giá đậu tương giảm còn 367 USD/tấn.
Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản Việt Nam 10 tháng qua đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, 2 tháng còn lại của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng có thể đạt khoảng 5,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 62 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng gạo có thế mạnh khi trong 10 tháng xuất gần 7,8 triệu tấn, đạt giá trị 4,86 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12%.
Xuất khẩu rau quả, đặc biệt trái cây cũng tiếp tục tăng mạnh. Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu ngành hàng này có thể vượt mọi dự báo, đạt mốc kỷ lục mới 7,5 tỷ USD, tăng 1,8 tỷ USD so với năm ngoái. Sầu riêng và xoài là 2 nhóm hàng xuất khẩu mạnh với nhiều tín hiệu khả quan.
DƯ NỢ TÍN DỤNG TẠI ĐBSCL ĐẠT HƠN 1 TRIỆU TỶ ĐỒNG
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tại đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng vùng đạt 1,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so cuối năm 2023. Dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 643.000 tỷ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ của vùng và chiếm 19,5% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Dư nợ ngành lúa gạo tại vùng đạt khoảng 124.000 tỷ đồng, tăng 18% so cuối năm 2023, chiếm 11% dư nợ toàn vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, cần tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án, phương án khả thi và có đầy đủ pháp lý.
XUẤT KHẨU CÁ TRA CÓ THỂ ĐẠT 2 TỶ USD NĂM 2024
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tổng diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 ước đạt gần 5.400 ha, tổng sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến tháng 10/2024 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD. Nguyên liệu không dồi dào có thể kéo sang quý I/2025, mùa cao điểm cuối năm là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện giá xuất khẩu.
GIÁ ĐẬU TƯƠNG GIẢM CÒN 367 USD/TẤN
Thực hiện: QUANG DŨNG
Theo ghi nhận của Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, chỉ số thị trường nông sản giảm mạnh nhất trong 4 nhóm hàng giao dịch trong tuần qua. Trong đó, giá đậu tương đã quay đầu giảm hơn 3% xuống 367 USD/tấn, gần như xóa sạch mức tăng của tuần trước đó.
Trong báo cáo Tiến độ Mùa vụ, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông tin, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Mỹ năm 2024 đã hoàn thành 96% diện tích, tăng so với mức 94% của tuần trước và vượt qua cả cùng kỳ năm ngoái cũng như mức trung bình lịch sử. Điều này phản ánh nông dân Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch nhằm tăng cường bán hàng, góp phần làm nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn và tạo áp lực giảm giá.
Bên cạnh đó, Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024 - 2025 của Argentina lên mức 53 - 53,5 triệu tấn, cao hơn so với ước tính trước đó là 52-53 triệu tấn. Triển vọng tích cực về mùa vụ tại Nam Mỹ được kỳ vọng sẽ giữ nguồn cung trên thị trường ở mức cao.