Hơn 41% công trình nước sạch thông thôn hoạt động kém bền vững. Khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần thứ 2. Bình Định không còn tàu cá '3 không'. Khai thác cát gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông Kiến Giang.
HƠN 41% CÔNG TRÌNH NƯỚC SẠCH THÔNG THÔN HOẠT ĐỘNG KÉM BỀN VỮNG
Thực hiện: Quang Dũng
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn năm 2024 diễn ra sáng nay ngày 15/11, Cục Thủy lợi cho biết, cả nước có hơn 18.000 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho hơn 9 triệu hộ gia đình nông thôn. Trong đó có 32% công trình hoạt động bền vững. Số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động là 41,8%, ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ, chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ (có công suất <50m3/ngày đêm), do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình và năng lực đơn vị quản lý khai thác, giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.
Bên cạnh đó, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh; nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 có 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch còn hạn chế. Cùng với đó, tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng của nguồn nước cấp cho sinh hoạt của người dân.
Tin 2
KHAI MẠC DIỄN ĐÀN KHỞI NGHIỆP ĐBSCL LẦN THỨ 2
Lê Hoàng Vũ - SX
Cũng trong sáng nay ngày 15/11, tại Nhà Văn hóa Lao động Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức khai mạc Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL - lần II năm 2024, với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” chính thức khai mạc. Chủ đề của Diễn đàn năm nay là Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển, được phát động từ tháng 9 cho đến nay. Trong đó, điểm mới nhất của Diễn đàn lần này là Đồng Tháp sẽ khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong.
Diễn đàn được tổ chức với mong muốn tập hợp, thúc đẩy khí thế hành động của hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp, khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo, nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch ĐBSCL thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, duy trì và phát triển Diễn đàn trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh của vùng.
Thông qua các hoạt động, Diễn đàn sẽ kết nối nguồn lực và thị trường nhằm hỗ trợ phát triển những sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ của tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL. Đồng thời, tôn vinh những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Tin 3
BÌNH ĐỊNH KHÔNG CÒN TÀU CÁ ‘ 3 KHÔNG’
Thực hiện: Vũ Đình Thung
Tính đến ngày 15 tháng 11, Bình Định đã hoàn thành cấp đăng ký tàu cá cho 970 tàu cá 3 không - trở thành 1 trong những địa phương đầu tiên trên cả nước không còn tàu cá 3 không. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong nỗ lực gỡ thẻ vàng trong khai thác thủy sản của Ủy ban châu Âu của Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Tàu cá ‘3 không’ nghĩa là không đăng ký, không đăng kiểm, không được cấp phép; thường có chiều dài từ 6m đến dưới 12m. Bình Định xác định nhóm tàu này có nguy cơ rất cao vi phạm khai thác thủy sản không báo cáo, không theo quy định (hay còn gọi là khai thác IUU). Do đó, địa phương đã nỗ lực, huy động tổng thể các lực lượng liên quan để tuyên truyền, thuyết phục và hỗ trợ chủ tàu đăng ký, đăng kiểm phương tiện.
Để chuẩn bị cho việc tiếp và làm việc với đợt kiểm tra lần 5 của Đoàn Thanh tra EC sắp tới, Bình Định đang đẩy nhanh quá trình xử lý các tàu các vi phạm khai thác IUU, tăng cường công tác quản lý, giám sát tàu cá... Trong đó, địa phương đang tiến hành triển khai thử nghiệm hệ thống nhật ký khai thác điện tử lắp đặt trên tàu cá nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, theo dõi và giám sát sản lượng khai thác và đảm bảo truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Tin 4
KHAI THÁC CÁT GÂYSẠT LỞNGHIÊM TRỌNG BỜ SÔNG KIẾN GIANG
Tâm Phùng - Tâm Đức
Thượng nguồn sông Kiến Giang, đoạn qua xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình), sau trận lũ vào cuối tháng 10 vừa qua đã bị sạt lở nghiêm trọng. Đoạn qua thôn Long Đại dài trên 5km đã bị sạt lở, có điểm lở sâu vào gần 20m. Sạt lở làm mất đất trồng hoa màu, cây lâm nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của khoảng 70 hộ dân.
Theo người dân thôn Long Đại cho biết, hiện tượng sạt lở xuất hiện vài năm trở lại đây, sau khi có các tàu, xà lan khai thác cát sạn dưới lòng sông. Khi lòng sông bị khoét sâu thì đất hai bên bờ bị sạt lở xuống mỗi khi mưa lũ xảy ra.
Hiện, vẫn có hai tàu, xà lan đang tiếp tục khai thác khoáng sản trên sông. Chính quyền địa phương và người dân cũng đã kiến nghị đình chỉ việc cấp quyền khai thác này để hạn chế việc sạt lở nhưng chưa được quan tâm.