Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa Việt Nam và Mông Cổ. Huế thu gom được 570 tấn rác thải nhựa trong 3 năm. 40 năm ngày thành lập Công ty Cao su Quảng Trị. Liên kết trồng dứa an toàn sinh học mang lại hiệu quả cao.
NÔNG NGHIỆP LÀ LĨNH VỰC HỢP TÁC TIỀM NĂNG GIỮA VIỆT NAM VÀ MÔNG CỔ
Minh Sáng sx
Hôm nay, 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM và Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức buổi gặp mặt hữu nghị kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mông Cổ (17/11/1954 - 17/11/2024).
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ Trần Thanh Nam chia sẻ: Mông Cổ là một trong những nước sớm nhất thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Mông Cổ thiết lập mối quan hệ ngoại giao.
Mối quan hệ hợp tác giữa 2 nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực tiễn. Hai nước đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ từ năm 1979 đến nay, đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực. Trao đổi thương mại giữa hai nước trong những năm gần đây tăng trưởng nhanh, với kim ngạch song phương năm 2022 đạt 85 triệu USD; năm 2023 đạt 132 triệu USD; 7 tháng năm 2024 đạt 65,5 triệu USD. Với tín hiệu tích cực này, hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.
Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa 2 nước. Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, còn Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Việc thúc đẩy trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước không chỉ giúp Mông Cổ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Các mặt hàng như thịt gà, gạo … của Việt Nam rất được người dân Mông Cổ ưa chuộng.
HUẾ THU GOM ĐƯỢC 570 TẤN RÁC THẢI NHỰA TRONG 3 NĂM
Thanh Thuỷ - Kiều Chi thực hiện
Cũng trong hôm nay 15/11, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo Kết thúc dự án “Huế - thành phố giảm nhựa miền Trung Việt nam” nhằm tổng kết 3 năm triển khai (2021-2024) và triển khai hoạt động năm 2025.
Theo WWF, trong giai đoạn 2021 -2024 dự án đã thu gom 570 tấn rác thải nhựa thất thoát ra môi trường đạt từ 265 % so với mục tiêu đề ra, trang bị đồng bộ 295 điểm thùng phân loại rác nhựa, chất thải rắn, gần 26.000 hộ gia đình được tuyên truyền phân loại rác tại nguồn, 742 tuyên truyền viên chính trong 31 địa bàn trong tỉnh đã thực hiện giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn trong du lịch, thu gom rác tại nguồn trong nông nghiệp và thủy sản…
Với sự tài trợ từ người dân Na Uy, sáng kiến kết nối và giảm thiểu nhựa của WWF-Việt Nam hướng tới mục tiêu không còn rác thải nhựa thải ra thiên nhiên vào năm 2030. Huế cũng đã trở thành thành phố thứ 7 ký cam kết giảm 30% lượng rác thải nhựa thất thoát vào môi trường vào năm 2024. Đây là những thành quả đáng khích lệ, giúp Huế tiếp tục phấn đấu trở thành điểm sáng về phát triển bền vững và du lịch xanh ở Đông Nam Á.
40 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG TY CAO SU QUẢNG TRỊ
Ngày 15/11, tại thành phố Đông Hà, Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Năm 1984, Công ty Cao su Bình Trị Thiên, tiền thân của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị ra đời với trên 3 nghìn ha cao su. Đến nay, Công ty quản lý hơn 4,9 nghìn ha. Những năm gần đây, Công ty đã tăng cường thu mua mủ gia công chế biến; doanh thu gia công chế biến của Công ty chiếm trên 60% tổng doanh thu. Năng suất vườn cây của công ty năm 2024 đạt 1,5 tấn/ha, cao nhất khu vực Duyên hải miền Trung. Từ năm 2001 đến nay Công ty liên tục sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; vốn điều lệ tăng bền vững. Tại buổi lễ, Công ty Cao su Quảng Trị vinh dự được nhận Cờ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị và nhiều phần thưởng cao quý khác dành cho các tập thể, cá nhân.
LIÊN KẾT TRỒNG DỨA AN TOÀN SINH HỌC MANG LẠI HIỆU QUẢ CAO
Quốc Toản thực hiện
Tổ hợp tác Amango farm (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) gồm 10 hộ thành viên liên kết trồng dứa sạch trên diện tích khoảng 6ha. Với triết lý canh tác nông nghiệp bền vững, ruộng dứa liên kết không không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ cỏ. Thay vào đó, quá trình canh tác các hộ dân tuân thủ nguyên tắc sử dụng phân bón hữu cơ từ phân gà ủ mục để chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, thay vì diệt cỏ, các hộ dân sử dụng Sinh khối của cây dứa cũng được ủ ngay tại ruộng để làm phân hữu cơ bón cho vụ tiếp theo. Với cách làm này, năm 2023, Tổ hợp tác này thu được 70 tấn dứa, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, sản phẩm dứa tại đây đã được cấp mã số, mã vạch, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc và minh bạch thông tin sản phẩm.
Lưu ý: Dùng ảnh hội nghị, có thứ trưởng Nam làm cover đại diện cho bản tin