Kè chống sạt lở bị lở sau hơn 1 năm sử dụng
Tháng 9/2023, công trình hệ thống kè chống sạt lở qua địa bàn thôn Mỹ Thủy (xã Hải An, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) được bàn giao và đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ hơn 1 năm sau, công trình này đã bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống các hộ dân sống cạnh tuyến kè và một số diện tích nuôi trồng thủy sản. Đến nay, ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Đoạn kè qua thôn Mỹ Thủy bị sạt lở chỉ sau hơn 1 năm bàn giao và đưa vào sử dụng. Ảnh: Võ Dũng.
Ngôi nhà của ông Phan Thanh Hội nằm chênh vênh bên tuyến kè chống sạt lở vừa được xây dựng. Thời điểm này, vị trí sạt lở chỉ còn cách nhà ông Hội khoảng hơn 2m và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Theo ông Hội, tuyến kè đưa vào sử dụng đúng thời điểm mùa mưa lũ cuối năm 2023. Lòng kênh hẹp, nền bằng đất lại hứng chịu một lượng nước lớn, chảy xiết, xoáy từ phía xã Hải Bình đổ về. Tác động mạnh và trực tiếp của nguồn nước vào tầng đáy gây xói lở từ dưới lên, dẫn đến các thanh giằng, hệ thống cống bi bê tông, phần mái kênh bị sạt lở, xô lệch, sụt lún và cuốn trôi.
“Nhà tôi sát ngay góc cầu Mỹ Thủy và đoạn cong của tuyến kênh, nước chảy về rất xiết. Sạt lở diễn ra mạnh nhất là vào đợt mưa lũ năm vừa rồi, nước đổ về dâng cao gần bằng mặt kênh và cuốn trôi cát phía dưới đáy kênh”, ông Hội cho hay.
Cũng theo ông Hội, trước đây, khi chưa xây kè, hai bên tuyến kênh này được trồng cây dứa dại giữ đất rất tốt nên không có chuyện sạt lở. Vì vậy, thời gian tới, nếu cơ quan chức năng không sớm khắc phục thì gia đình ông Hội và các hộ dân trong thôn sẽ lấy cây dứa dại về trồng vào những điểm sạt lở để đảm bảo an toàn cho vườn nhà của mình.
Ông Võ Trung Tuyến, một hộ nuôi trồng thủy sản tại thôn Mỹ Thủy cũng tỏ ra lo lắng khi tuyến kè đã bị sạt lở, ăn sát vào khu nuôi tôm của nhiều hộ dân. Nếu tình hình này vẫn tiếp diễn thì bà con không thể tiếp tục nuôi trồng thủy sản ở khu vực này.
“Tôi và mấy người anh em hiện đang nuôi cá dìa, tôm, ốc hương với tổng diện tích khoảng 5.000m2. Điểm sạt lở chỉ còn cách khu hồ nuôi chừng 3m. Kè đã bị sụt lún nhiều điểm khá sâu, thanh giằng sụt xuống cả mét, đe dọa làm vỡ hồ trong thời gian tới. Nếu hồ nuôi bị vỡ thì chúng tôi sẽ không có công ăn việc làm”, ông Tuyến chia sẻ.

Sạt lở kè khiến đường dân sinh, khu dân cư và khu vực hồ nuôi tôm bị uy hiếp. Ảnh: Võ Dũng.
Theo quan sát, bằng mắt thường có thể thấy, hệ thống công trình chống sạt lở kè đoạn đi qua thôn Mỹ Thủy có nhiều đoạn đã bị sụt lún nặng, từng mảng mái kè bằng tấm bê tông ở cả hai bên công trình bị kéo tuột xuống lòng kênh. Hệ thống cống bi bê tông được thiết kế chịu áp lực nước ở phía dưới chân kè cũng bị xô lệch nhiều vị trí, có nơi nhiều ống bi rời ra giữa lòng kênh…
Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở
Hệ thống kè chống xói lở thôn Mỹ Thủy có tổng mức đầu tư hơn 3,3 tỉ đồng do UBND xã Hải An làm chủ đầu tư. Công trình có chiều dài gần 308m. Công ty TNHH MTV Số 1 Hải Lăng là đơn vị quản lý dự án; nhà thầu thi công là Liên danh Công ty TNHH Hải Triều và Công ty TNHH Xây dựng Quang Vũ. Tuyến kè được xây dựng từ nguồn vốn thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và đối ứng của địa phương; khởi công ngày 10/7/2023, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng ngày 29/9/2023.

Thiệt hại 2 tuyến kênh do thiên tai gây ra trên địa bàn xã Hải An khoảng 2 tỷ đồng. Ảnh: Võ Dũng.
Sau khi sự cố sạt lở xảy ra, để khắc phục tạm thời, người dân thôn Mỹ Thủy đã đổ đất, cát, đá vào khu vực sạt lở. Một số hộ dự định sẽ trồng cây để ngăn chặn tình trạng sạt lở đang diễn ra. Tuy nhiên, đây chỉ là các giải pháp tạm thời và chưa mang lại hiệu quả cao. Sau mỗi trận mưa, sạt lở lại tiếp diễn với mức độ nghiêm trọng hơn; các cấu kiện bê tông, đất đá bị nước đẩy ra giữa lòng kênh gây ách tắc dòng chảy. Tình trạng sạt lở chưa dừng lại và ngày càng ăn sâu vào đường bê tông, khu vực dân sinh, các hồ nuôi tôm của người dân địa phương.
“Tình trạng này rất đáng lo ngại. Nếu cơ quan chức năng không nhanh chóng đưa ra giải pháp khắc phục thì chẳng bao lâu nữa, mái kênh sẽ bị cuốn trôi, gây lãng phí. Khi mùa mưa lũ tới, sạt lở tiếp tục xảy ra, đường dân sinh bị nuốt chửng, nhà cửa của nhiều hộ dân bị uy hiếp; nhiều hồ nuôi trồng thủy sản của người dân đứng trước nguy cơ vỡ”, ông Phan Thanh Hội, người dân thôn Mỹ Thủy cho hay.
Đây không phải là đoạn kè duy nhất trên địa bàn xã Hải An bị sạt lở. Theo báo cáo của UBND xã Hải An, từ ngày 1/11 đến ngày 5/11/2024, trên địa bàn xã có mưa to. Một lượng nước từ các tuyến kênh đổ về dồn dập đã làm hư hỏng một số tuyến kè trên địa bàn. Trong đó, hệ thống kè chống xói lở thôn Mỹ Thủy hư hỏng nặng ở 3 đoạn với tổng diện tích 1.575m2. Tuyến kè xây dựng trước đó nhiều năm đi qua thôn Thuận Đầu cũng hư hỏng nặng tại 3 đoạn với diện tích 134,5m2. Sạt lở tiến sát và uy hiếp 2 mố cầu Mỹ Thủy bắc qua dòng kênh. Ước tính thiệt hại do sạt lở của cả hai tuyến kênh này gần 2 tỉ đồng.

Sạt lở kè uy hiếp cầu dân sinh Mỹ Thủy. Ảnh: Võ Dũng.
Việc khắc phục tình trạng sạt lở 2 tuyến kênh trên địa bàn xã Hải An đòi hỏi nguồn kinh phí lớn trong khi địa phương không đủ nguồn lực. Người dân xã Hải An cho rằng, đây đều là những tuyến kênh hứng chịu lưu lượng nước lớn, xoáy nên ngoài việc xử lý sự cố, lòng kênh cần được bê tông hóa. Chân của mái kênh cần được kiên cố, đủ chịu lực và chống được xói lở khi nguồn nước đổ về trong mùa mưa lũ.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải An cho biết, sau khi tuyến kè bị sạt lở, chính quyền địa phương đã tiến hành khảo sát hiện trường, đo đếm khối lượng sạt lở và báo cáo cấp trên tìm phương án xử lý để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng sạt lở các đoạn kênh trên địa bàn xã Hải An vẫn chưa có phương án khắc phục.
“Địa phương đề xuất cần có phương án bê tông hóa lòng kênh để chấm dứt tình trạng xói lở do dòng chảy. Chúng tôi mong muốn các cấp có thẩm quyền quan tâm và sớm có phương án khắc phục tình trạng sạt lở nhằm đảm bảo an toàn cho nhà dân và các hộ nuôi trồng thủy sản trong khu vực”, ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hải An chia sẻ.