Chăn nuôi tuần hoàn khép kín đã giúp người dân tiết kiệm được 50-60% chi phí đầu vào, không gây ô nhiễm môi trường và có được thu nhập cao.
Đây là trang trại chăn nuôi kết hợp, tuần hoàn khép kín của anh Bùi Văn Thảo tại xóm 10, xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh trên diện tích 6,8 ha. Hiện, anh Thảo đang nuôi gần 100 con bò sinh sản, 600 dê và cừu. Ngoài ra còn trồng cỏ và ngô sinh khối để làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
Anh BÙI VĂN THẢO
Xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
Ngoài chăn nuôi tôi có 3ha cỏ, 2ha ngô, còn lại là chuồng trại. Tôi chăn nuôi theo quy trình khép kín thì lượng phân dê, bò thải ra tôi quay ngược lại bón cho cỏ và ngô. Ngô với cỏ thì quay vào ủ chua phục vụ cho thiếu thức ăn vào mùa đông.
Hình thức chăn nuôi tuần hoàn, khép kín vừa giúp anh Thảo chủ động được nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi, vừa giúp giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cho gia đình, công nhân trực tiếp chăm sóc và cộng đồng xung quanh. Nhờ vậy mà anh Thảo có thể đạt thu nhập tiền tỷ mỗi năm.
Anh BÙI VĂN THẢO
Xã Khánh Mậu, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình
Khi chăn nuôi khép kín như thế này thì giảm được chi phí đầu vào từ 50-60% bởi mình chủ động được thức ăn. 1 năm như bò nhà tôi thì bán 50 con bê rơi thu nhập khoảng 500 triệu, đó là chưa trừ nhân công, dê 1 năm thì cũng thu nhập được khoảng 500 triệu.
Hiện nay, những mô hình chăn nuôi tuần hoàn, khép kín cũng đang được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Bình khuyến khích triển khai.
Ông BÙI HỮU NGỌC
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín. Ví dụ có những mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu. Những sản phẩm phụ của sản xuất là phân bón được xử lý bằng vi sinh và tạo ra sản phẩm phân bón để bón cho nguyên liệu trồng cỏ để phục vụ chính trong trang trại. Trung tâm khuyến nông cũng đẩy mạnh những chế phẩm vi sinh để xử lý những sản phẩm phụ để làm sao để đầu ra của quá trình sản xuất này sẽ là đầu vào của quá trình sản xuất khác, như vậy sẽ giảm được chi phí đầu tư cho người nông dân.
Có thể nói, chăn nuôi kết hợp với trồng trọt theo vòng tuần hoàn khép kín được xem là “cứu cánh” để giảm được áp lực về chi phí đầu tư. Ngoài ra, cái lợi của hình thức này là “không còn chất thải”. Bởi, chất thải và phế phụ phẩm của quá trình này sẽ trở thành đầu vào của quá trình sản xuất khác.