Trong bối cảnh Việt Nam không thể tiếp tục nhập được hạt giống keo tai tượng từ Papua New Guinea và Australia, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã tìm ra lời giải.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN-PTNT, với mục tiêu trồng ít nhất 50.000ha rừng mỗi năm, nhu cầu hạt giống keo tai tượng của nước ta là rất lớn bởi đây được xác định là một trong những cây lâm nghiệp rừng trồng chủ lực.
Trong suốt nhiều thập kỷ qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hạt giống keo tai tượng từ Trung tâm hạt giống Úc để đáp ứng nhu cầu hạt giống cho trồng rừng.Nguồn hạt giống keo tai tượng nhập khẩu này được thu hái từ những năm 1990 tại các vùng xa xôi hẻo lánh phía tây nam Papua New Guinea như Oriomo, Balimo và phía bắc của bang Queensland, Australia.
Hạt giống keo tai tượng thu hái từ vùng này được người trồng rừng trong nước rất ưa chuộng bởi năng suất cao và đã được xác nhận bởi Bộ NN-PTNT thông qua đánh giá khảo nghiệm.Tuy nhiên, việc thu hoạch, khai thác hạt giống keo tai tượng này hầu như cạn kiệt và không thể khai thác thêm được nữa vì nhiều lý do.
Trích phỏng vấn TS. Chris Harwood - Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp Úc: “Do những thay đổi về cơ chế chính sách ở Papua New Guinea và Australia, hiện nay không thể tiếp tục tiếp cận đến những vùng này để thu hái thêm hạt giống keo tai tượng mới, vì thế, Việt Nam cần phải tìm kiếm nguồn giống khác cho trồng rừng.”
Được biết, trong những năm vừa qua, chương trình cải thiện giống do Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam với sự hỗ trợ của các nhà khoa học hàng đầu về lâm nghiệp của Australia đã cải thiện di truyền thành công cho loài keo tai tượng có xuất xứ từ Papua New Guinea và Australia.
Trích phỏng vấn Tiến sĩ Nguyên Đức Kiên, Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học Lâm nghiệp: “Đến nay, Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp đã xây dựng thành công vườn giống keo tai tượng cho tốc độ sinh trưởng vượt trội hơn so với xuất xứ nguyên sản tại Papua New Guinea. Đặc biệt, hạt giống keo tai tượng từ vườn giống của Việt Nam sinh trưởng về thể tích đã vượt 10% so với giống nguyên sản trong các khảo nghiệm so sánh, đánh giá được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản.”
Trích phỏng vấn GS.TS. Rod Griffin - Đại học Tasmania:“Chúng tôi khuyến nghị các nhà trồng rừng keo tai tượng ở Việt Nam nên ưu tiên tiếp cận nguồn hạt giống từ các vườn giống của Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp Việt Nam, bởi vì nguồn hạt giống tự nhiên của loài này đã không còn nữa.”
Trong bối cảnh nguồn hạt giống keo tại tượng nhập khẩu từ Úc hiện đứt gẫy chưa biết khi nào có thể tái nhập khẩu trở lại trong khi kế hoạch trồng rừng vẫn phải diễn ra theo đúng kế hoạch hàng năm nên việc tìm ra nguồn hạt giống thay thế chất lượng tại Viện Nghiên cứu Giống và Công nghệ Sinh học Lâm nghiệp mang ý nghĩa vô cùng to lớn. Bởi nếu để bà con trồng rừng phải bất đắc dĩ sử dụng nguồn hạt giống khai thác từ các rừng trồng đại trà và cây ven đường không rõ nguồn gốc, chất lượng di truyền kém sẽ làm suy giảm nghiêm trọng năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng của nước ta.