UBND xã An Nhứt định hướng bà con nông dân chuyển sang canh tác lúa theo hướng VietGAP bền vững, giúp giảm giá thành thành sản xuất, tăng chất lượng và an toàn sinh học.
Trồng lúa theo hướng VietGap giúp giảm đầu tư, tăng năng suất
UBND xã An Nhứt định hướng nông dân canh tác lúa theo hướng VietGap bền vững, giúp giảm giá thành thành sản xuất, tăng chất lượng và an toàn sinh học.
Đây là ruộng lúa canh tác theo hướng VietGap của gia đình ông Trần Minh Trí ở xã An Nhất, huyện Long Điền. Với 8 sào lúa được canh tác theo hướng mới, ông Trí được hỗ trợ lúa giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau khoảng ba tháng lúa cho thu hoạch với sản lượng gần 7 tấn, cao hơn so với canh tác truyền thống gần 2 tấn. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Trí thu lợi nhuận hơn hai mươi triệu đồng, cao hơn ba triệu đồng so với trước đây.
Phỏng vấn Ông Trần Minh Trí - Xã An Nhất, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:Cái VietGap tôi thấy sản xuất cũng được, hơn mấy loại giống kia vì giống này là lúa thơm. Giá cũng hơi cao so với lúa thường.
Tương tự, ruộng lúa rộng 5 sào của bà Dương Thị Cẩm Hồng thu được gần 5 tấn lúa, tăng hơn 20% so với phương pháp truyền thống. Chi phí đầu tư cũng giảm mạnh do bà Hồng chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ, thuốc sinh học, lúa sạch đảm bảo chất lượng nên giá bán cao hơn, từ 200 - 300 đồng/ kg.
Phỏng vấn Bà Dương Thị Cẩm Hồng - Xã An Nhất, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôi thấy làm lúa này có giá nên cũng mừng. Thời tiết vụ đông xuân thuận lợi nên lúa cũng đẹp. Nên năng suất cũng không đến nỗi nào, chắc cũng có lãi so với vụ trước.
Vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, huyện Long Điền triển khai thí điểm mô hình trồng lúa theo hướng VietGap với diện tích 12 hecta của 24 hộ dân trên địa bàn xã An Nhứt. Đây là mô hình dân vận khéo được Hội Nông dân xã An Nhất thực hiện trong năm 2024. Sau ba tháng triển khai, mô hình mang lại những hiệu quả thiết thực như giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn bền vững.
Phỏng vấn Ông Trần Công Danh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Chúng tôi muốn thay đổi phương thức trồng lúa truyền thống sang kiểu mới. Cái hiệu quả của nó, thứ nhất là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, là không sử dụng thuốc hóa học. Thứ hai là vấn đề vệ sinh môi trường, tôi vận động bà con thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bỏ vô cống bi để cho các ngành chức năng xử lý đúng quy định. Tôi sẽ mở rộng, tham mưu cho cấp ủy chính quyền trồng lúa hướng VietGap rộng ra, sẽ kí kết với đối tác để người ta bao tiêu sản phẩm.
Xã An Nhứt hiện có 425 ha lúa sản xuất ba vụ, thực hiện mô hình dân vận khéo trồng lúa theo hướng Vietgap. Thời gian tới, Hội Nông dân xã An Nhứt sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên nông dân mở rộng diện tích sản xuất lúa theo mô hình hướng VietGap, tiến tới xây dựng vùng sản xuất lúa sạch tập trung, quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường.