Với hai sản phẩm cà phê Blue Sơn La và Trà Cascara Blue Sơn La, tập đoàn Phúc Sinh góp phần thay đổi diện mạo vùng cà phê Arabia và đời sống nông dân Sơn La.
“Tây Bắc ư, có riêng gì Tây Bắc/ Khi lòng ta đã hóa những con tàu/ Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu”
Những câu thơ của một thời khó nhọc khai hoang vùng Tây Bắc, bây giờ bỗng thức dậy và lấp lánh trong một câu chuyện khác của Việt Nam thời hội nhập kinh tế thế giới: Câu chuyện Phúc Sinh Sơn La với mùa quả ngọt Arabica.
Cách xa thủ đô Hà Nội hơn 300 km, tỉnh Sơn La mang đầy đủ đặc trưng miền Tây Bắc Việt Nam, núi đá trập trùng, nhiều sông suối, lắm thác ghềnh. Hầu hết những người phương xa tìm đến Sơn La đều chủ đích tìm kiếm những phút giây thư thái trong không gian dịu mát cùng nếp sống bình dị. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh – Phan Minh Thông cũng ghé qua Sơn La với tâm trạng ấy.
Cảnh vật Sơn La thật sự khó quên như một niềm riêng thảng thốt: “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu”.
Thế nhưng, khi trải nghiệm sản vật địa phương, ông Phan Minh Thông đã giật mình thú vị.
Bằng kiến thức tích lũy của một doanh nhân hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Phan Minh Thông không bỏ lỡ một cơ hội khám phá sự bí ẩn về cà phê Arabica ở Sơn La. Từ sự phát hiện tình cờ, một ý tưởng thật táo bạo những đầy lạc quan đã được nhen nhóm.
Kế hoạch xây dựng Nhà máy Phúc Sinh Sơn La lập tức được triển khai. Bởi lẽ, doanh nhân Phan Minh Thông vốn có sẵn tình yêu say đắm với nông sản Việt Nam, nên không muốn bỏ lỡ một vùng nguyên liệu cà phê quý giá.
Nói đến cà phê Việt Nam, thì giống cà phê Robusta phủ kín nương rẫy các tỉnh Tây Nguyên. Còn giống cà phê Arabica chỉ chiếm một diện tích khiêm tốn. Ít ai để ý, từ thế kỷ 19 người Pháp đã đưa giống cà phê Arabica tới vùng Tây Bắc sau khi nghiên cứu và nhận thấy lợi thế địa hình cũng như khí hậu nơi đây. Cả tỉnh Sơn La có trên 17 ngàn ha cà phê Arabia, nhưng canh tác nhỏ lẻ và manh mún. Nếu đánh thức tiềm năng này, sẽ có được một kỳ tích không chỉ cho tập đoàn Phúc Sinh, mà còn mang lại lợi ích bền vững cho nông dân Sơn La.
Ngày 8/11/2018, Nhà máy Phúc Sinh Sơn La tổ chức lễ khánh thành tại Bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La như một sự kiện được chờ đợi ở một tỉnh nghèo Tây Bắc.
Phúc Sinh Sơn La là nhà máy có quy mô lớn nhất trong hệ thống nhà máy của tập đoàn Phúc Sinh. Nhà máy Phúc Sinh Sơn La được xây dựng đạt tiêu chuẩn của BRC. Hệ thống nhà xưởng sản xuất rộng 6.384 m2. Khu xử lý nước thải được đầu tư đồng bộ, có diện tích 2.600 m2, công suất xử lý 200 m3/ngày đêm. Các khu vực phụ trợ của nhà máy rộng 12.000 m2. Văn phòng rộng 1.080 m2.
Bên cạnh việc thu mua và chế biến, tập đoàn Phúc Sinh đầu tư cho vùng trồng hữu cơ của bà con nông dân Sơn La. Đồng thời, Nhà máy Phúc Sinh Sơn La liên tục cải tiến quy trình công nghệ và tăng cường chế biến sâu đối với từng sản phẩm. Sau khi thu hoạch, cà phê được bóc hết thịt quả tươi, ngâm ủ rồi dùng nước đãi sạch, phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Việc làm khô bằng ánh nắng mặt trời, không sử dụng phương pháp sao sấy khiến cà phê Sơn La hoàn toàn lưu giữ được hương vị tự nhiên.
Không có nỗ lực và tâm huyết nào không nhận được sự hồi đáp xứng đáng. Thương hiệu cà phê Blue Sơn La có mặt trên thị trường Việt Nam và quốc tế đã nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng.
Chưa dừng lại ở đó, Phúc Sinh phối hợp các hộ sản xuất để cùng người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu theo tiêu chuẩn UTZ. Những quả cà phê Arabia chín mọng được thu hái từ bàn tay chăm chỉ của những cô gái Thái, đã tạo tiền đề cho một đột phá mới của tập đoàn Phúc Sinh, đó là tận dụng vỏ cà phê Arabica để chế biến trà Cascara. Tại sao không? Trà Cascara đã có ở Nam Mỹ từ nửa thế kỷ trước và hiện nay đang rất được ưa chuộng ở Mỹ và Châu Âu, thì tại sao Việt Nam không dự phần với lợi thế có sẵn?
Tháng 10/2023, Phúc Sinh Sơn La khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara một cách tự tin. Với lượng vỏ thải ra từ 10 tấn quả cà phê chín có thể chế biến thành 1 tấn trà cà phê thành phẩm mỗi ngày, không chỉ gia tăng hiệu quả kinh tế mà còn thúc đẩy mô hình nông nghiệp tuần hoàn.
Với hai sản phẩm cà phê Blue Sơn La và Trà Cascara Blue Sơn La, diện mạo vùng cà phê Arabia đã thay đổi thực sự. Doanh nhân Phan Minh Thông với đất đai Tây Bắc đã có thêm nhiều cảm xúc“nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ/ nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương”
Trời mỗi ngày mỗi sáng với những con người biết hướng tới tương lai. Có sự trợ lực của Nhà máy Phúc Sinh Sơn La, nông dân trồng cà phê càng thêm gắn bó với từng vạt đồi xanh biếc, từng vụ mùa no ấm. Sự ổn định và sung túc đã thành giấc mơ có thật của bà con dân tộc thiểu số ở Sơn La “Rẽ người mà đi, vịn tay mà đến/ Mặt đất nồng nhựa nóng của cần lao”.
Sự nhộn nhịp Nhà máy Phúc Sinh Sơn La đang lan tỏa nguồn năng lượng mới mẻ cho vùng cao Tây Bắc. Nụ cười cô gái Thái gửi theo những chuyến hàng Phúc Sinh đi đến muôn nơi. Câu chuyện mùa quả ngọt Arabica với Phúc Sinh Sơn La chính là câu chuyện “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.