Nuôi ba ba gai không chỉ làm giàu cho người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn mà còn trở thành nghề bền vững, có tiềm năng phát triển kinh tế cao trong khu vực.
Yên Bái: Người dân làm giàu nhờ nuôi ba ba gai
Nuôi ba ba gai không chỉ làm giàu cho người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn mà còn trở thành nghề bền vững, có tiềm năng phát triển kinh tế cao trong khu vực.
Với khí hậu mát mẻ, có nhiều khe nước sạch, nên nhiều năm nay, nghề nuôi ba ba gai đã phát triển mạnh ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái…
Từ khi chuyển sang nuôi ba ba, cuộc sống của người dân nơi đây đã từng bước đi lên.
Ông NGUYỄN VĂN NGHỊ - Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Từ khi có con có ba ba gai, ở địa phương này kinh tế đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là thôn Văn Hưng chúng tôi, có nhiều nhà xây rồi thì người dân về điều kiện kinh tế đời sống cũng được nâng lên, không phải bỏ nhiều sức lực đi lao động ở trên rừng trên núi nữa mà tập trung vào chăn nuôi ba ba gai.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nghị hiện có diện tích mặt ao hơn 2.000 mét vuông. Chủ yếu nuôi hai loại ba ba là ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản.
Mỗi năm, mô hình nuôi ba ba của gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 10.000 con giống, với giá bán 100.000 đồng/con giống 10 ngày tuổi.
Ông NGUYỄN VĂN NGHỊ - Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Là thành viên nuôi ba ba thì tôi cũng rất là phấn khởi. Tôi cũng động viên cho tất cả bà con trong thôn, cũng như là những người yêu mến con ba ba cố gắng thúc đẩy chăn nuôi ba ba lên. Tôi xác định đây là cũng là mô hình à xóa đói giảm nghèo, có thể làm giàu cho các hộ nông dân.
Ba ba thương phẩm hiện có giá từ 340 đến 360 nghìn đồng/kg.
Mỗi năm trang trại nuôi ba ba gai của gia đình ông Nghị cung cấp ra thị trường hàng chục tấn ba ba thương phẩm.
Để có nguồn nước bảo đảm vệ sinh, gia đình ông đầu tư xây dựng hệ thống đập đấu nối từ đầu nguồn và hệ thống ống dẫn nước về đến tận ao nuôi.
Ông NGUYỄN VĂN NGHỊ - Thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Được cấp cái chỉ dẫn địa lý cũng là một tín hiệu rất mừng cho hợp tác xã, cũng như bà con chăn nuôi ba ba của huyện Văn Chấn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn, bởi vì là chúng tôi cần phải cố gắng tạo ra những cái sản phẩm sạch, sản phẩm có chất lượng thì mới giữ được cái thương hiệu uy tín này. Thông qua cái mô hình hợp tác xã thì chúng tôi cũng cố gắng là tuyên truyền các thành viên chăn nuôi bằng các thức ăn sạch bằng các thực phẩm sạch để tạo ra cái chất thịt tốt nhất để cung cấp cho thị trường.
Tính đến tháng 3 năm 2024, xã Cát Thịnh đã có gần 500 hộ nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản với quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên. Trong đó hơn 10 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.
Việc phát triển mô hình ba ba không chỉ giúp làm giàu cho người dân nơi đây, mà còn trở thành một nghề bền vững, có tiềm năng phát triển kinh tế cao trên địa bàn huyện Văn Chấn.
Ông NGUYỄN TRỌNG DŨNG
Cán bộ phòng NN&PTNT huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
UBND huyện Văn Chấn cũng nhận thấy con bà ba gai là một con thủy hải sản đặc sản của huyện. Do vậy UBND huyện đã có nhiều những cái chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi ba ba và cụ thể ở đây là hợp tác xã chăn nuôi ba ba gai xã Cát Thịnh để thúc đẩy phát triển con ba ba trong đó thì chú trọng đến cái việc xúc tiến thương mại và quảng bá. Tiến tới chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm như là OCOP
Nhìn những ngôi nhà khang trang mọc lên san sát, những con đường bê tông kiên cố, bộ mặt làng quê hôm nay đã đổi khác.
Mong rằng mô hình nuôi ba ba sẽ được nhân rộng hơn nữa trên địa bàn các xã của huyện Văn Chấn để giúp người dân nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.