UBND huyện Côn Đảo xác định phát triển nuôi biển phải đảm bảo môi trường và công tác bảo tồn, phù hợp với định hướng du lịch bền vững của địa phương.
Nuôi biển tại Côn Đảo gắn liền với bảo tồn, bảo vệ môi trường
UBND huyện Côn Đảo xác định phát triển nuôi biển phải đảm bảo môi trường và công tác bảo tồn, phù hợp với định hướng du lịch bền vững của địa phương.
Vịnh Bến Đầm, huyện Côn Đảo là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi, mực nước sâu, kín gió, phù hợp cho việc nuôi trồng thủy hải sản. Các loại hải sản có giá trị kinh tế cao được nuôi tại đây như: cá Mú, cá Bớp, tôm Bông, tôm Mũ Ni… Phần lớn con giống được người nuôi mua lại từ ghe đánh bắt trên biển, sau đó thả nuôi trong lồng. Thông thường sau khoảng thời gian từ 4 - 8 tháng là cho thu hoạch.
Sau gần 20 năm nuôi biển tại Vịnh Bến Đầm, anh Lê Văn Quân đầu tư hệ thống lồng nhựa HDPE để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh. Dù mới đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng hệ thống lồng nhựa này đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với lồng bè truyền thống.
Anh Lê Văn Quân, Khu Bến Đầm, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Mình nuôi cái lòng này ví dụ như sóng gió nó chịu tốt hơn, với lại cái cái sự hao mòn nó bền hơn. Nó cho hiệu quả cho mình, ví dụ như nó ít hao hơn, thiết bị đỡ sửa chữa hơn. Mình đang làm thí điểm này là 9 ô lồng, với diện tích 4 x 4m. Ban đầu thì có công ty có hỗ trợ cho mình thì chỉ hết 70 %, khi làm xong cái này hết ba trăm mấy triệu thôi.
Hiện nay, UBND huyện Côn Đảo đang cho 6 hộ gia đình thuê mặt nước với diện tích 2 hecta để nuôi trồng thủy sản. Thực phẩm nuôi cá hoàn toàn từ 100% cá tạp thiên nhiên, không sử dụng thực phẩm công nghiệp hay hóa chất trong quá trình nuôi tại các bè hiện hữu. Điều này đúng theo định hướng của huyện là phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Huyện đặc biệt quan tâm là kinh tế du lịch biển gắn với bảo tồn và việc là nuôi biển để khai thác hải sản biển, nó không xung đột về môi trường. Cái này là một vấn đề lớn cho nên cũng đang được nghiên cứu đánh giá tổng thể.
Bà Phan Thị Tím, Phó trưởng Phòng Kinh tế, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu:Nuôi trồng thủy sản sắp tới phải gắn với bảo vệ môi trường tuyệt đối và phải kết hợp với du lịch để hướng đến là du lịch sinh thái trên biển. Đối với cái loại hình nuôi biển này để cho những khách du lịch có thể đến check-in và họ có thể tham quan các mô hình tại địa phương. Bắt buộc là phải áp dụng những cái công nghệ tiên tiến, công nghệ hiện đại, công nghệ cao vào công tác nuôi trồng thủy sản trên biển. Mô hình phải đảm bảo những cái sự an toàn, chắc chắn và đảm bảo về tính thẩm mỹ, mỹ quan để phát triển du lịch cho nó thuận lợi hơn.
Định hướng của huyện Côn Đảo là phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thuận với tự nhiên. Do đó, mặc dù có nhiều lợi thế về nuôi biển nhưng địa phương này cũng rất thận trọng với việc mở rộng diện tích, quy mô và phương pháp nuôi trồng.
Phát triển nuôi biển song hành với ứng dụng các kĩ thuật khoa học công nghệ cao không chỉ gắn liền bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị, sẽ là định hướng mà huyện Côn Đảo chú trọng trong thời gian tới đây.