Không chỉ thay đổi tư duy sản xuất cho bà con nông dân, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc còn xây dựng nhiều cơ chế, chính sách dài hơi nhằm tạo ra đột phá trong chuyển đổi số nông nghiệp.
Vĩnh Phúc trở thành hình mẫu tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp
Nhằm nắm bắt nhu cầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cũng như tập huấn triển khai sử dụng phần mềm cập nhật cơ sở dữ liệu. Bộ NN-PTNT tổ chức Đoàn công tác làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và một số cơ sở trên địa bàn về vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chánh Văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển cho biết, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, địa phương phải có kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ của từng đơn vị. Trong đó, cần chú trọng vào những sản phẩm thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số.
Nếu như trước kia, để tưới hết được vườn dưa lưới rộng 1,1ha, Anh Lê Anh Khải phải cần tới 20 nhân công bằng phương pháp tưới dí truyền thống, thì từ khi lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt với các thiết bị châm phân, phun sương, quạt đối lưu tự động, số nhân công đã giảm 90% và chỉ phải thực hiện công tác kiểm tra, đo đạt.
Khu sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính của HTX rau, hoa Tam Dương, Vĩnh Phúc được thiết kế tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời, HTX bố trí trồng dưa lưới, ớt chuông với phương thức xen canh gối vụ.
Ngoài đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm được duy trì phù hợp, cây trồng được tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp HTX tiếc kiệm tới 70% chi phí tưới.
Từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát cây trồng, Anh Khải không cần ra vườn cũng có thể thông qua điện thoại có kết nối Internet quan sát, kiểm tra, quá trình sinh trưởng của cây. Từ đó, điều chỉnh độ ẩm, lượng nước tưới phù hợp.
Mỗi năm, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 600 tấn dưa, với lợi nhuận xấy xỉ 3 tỷ/ha. Ngoài ra, sản phẩm của HTX cũng được gắn mã QR và tem truy xuất nguồn gốc.
Với những giải pháp tích cực trong triển khai chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đang hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân và khu vực nông thôn.