Vụ lúa đông xuân 2022 – 2023, Cục Trồng trọt khuyên cáo các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên bám sát khí hậu, thời tiết để xuống giống phù hợp, hiệu quả.
Vụ Đông Xuân: Bám sát khí hậu thời tiết để sản xuất lúa
Ngày 15/9, tại tỉnh Ninh Thuận, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã chủ trì Hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, vụ mùa năm 2022.
Theo Cục Trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu vùng này ước đạt trên 181 nghìn ha, tăng 0,84 nghìn ha, sản lượng ước đạt trên 1,1 triệu tấn.
Đối với vụ mùa 2022, tổng diện tích gieo trồng ước đạt 272 ha, sản lượng ước đạt 1,4 triệu tấn, tăng 35 nghìn tấn so với vụ mùa 2021.
Tại hội nghị sơ kết vụ hè thu, Bộ NN-PTNT cũng triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân năm 2022 – 2023 tại các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Bà NGUYỄN THỊ TỐ TRÂN, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định
Theo như dự báo khí tượng thủy văn thì diễn biến vụ đông xuân 2022 – 2023 khá phức tạp. Đặc biệt lượng mưa dự kiến cao hơn cùng kỳ nhiều năm và tháng 12 diễn ra nhiều đợt mưa do đó lịch thời vụ vụ đông xuân 2022 – 2023 các địa phương cần căn cứ chặt chẽ diễn biến để bố trí lịch thời vụ. Làm sao để né tránh được sự ảnh hưởng, mất giống do thời tiết. Tuy nhiên cũng phải căn kéo theo lịch, không được gieo sạ quá muộn. Nếu tháng 12 không gieo sạ hết sẽ ảnh hưởng, đến cuối vụ đông xuân sẽ ảnh hưởng do diễn biến thời tiết.
Theo Cục Trồng trọt, để sản xuất vụ Đông Xuân năm 2022 – 2023 tại vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt hiệu quả, Cục đã triển khai các phương án giảm giá thành sản xuất, theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động sản xuất. Đồng thời xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, tổ chức gieo sạ tập trung, đồng loạt theo khung lịch.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân tại vùng này sẽ gieo trồng trên 326 nghìn ha, giảm 1,93 nghìn ha, sản lượng dự kiến đạt trên 2,1 triệu tấn.
Ông NGUYỄN NHƯ CƯỜNG, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT
Vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm và nó quyết định sự tăng trưởng của ngành, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội. Do vậy việc sản xuất vụ đông xuân phải tập trung chỉ đạo, thứ nhất là bám sát tình hình khí hậu, thời tiết, phân tích, đánh giá, rà soát các nguồn nước từ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nguồn nước tại chỗ. Trên cơ sở đó xác định được diện tích, kế hoạch gieo trồng. Cái thứ 2 cần xác định cơ cấu về mùa vụ một cách phù hợp. Thứ 3 là tập trung sử dụng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, hạn chế, thậm chí cương quyết không trồng giống lúa dài ngày. Thứ 4 nữa là trong điều kiện giá cả, vật tư tăng cao, chi phí tăng, lợi nhuận của người dân giảm thì cần thực hiện các mô hình, quy trình kỹ thuật giảm chi phí đầu vào.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, tình hình thời tiết của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên những tháng cuối năm có nhiều biến động nên cần có khuyến cáo cụ thể trong việc sắp xếp lịch thời vụ. Đặc biệt cần quan tâm về vấn đề giống lúa. Theo đó, các địa phương cần đưa giống ngắn ngày, chất lượng, đặc biệt cơ cấu 3-4 loại giống chất lượng để phục vụ sản xuất. Cùng với đó là thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác tốt và thực hiện chuyển đổi cây trồng phải có hiệu quả. Ngoài ra cần thực hiện phương thức giảm chi phí đầu vào để nâng cao lợi nhuận.