Trồng lúa giảm phát thải được ưu đãi vay vốn lên đến 3 tỷ đồng
Thứ Hai 07/04/2025 , 12:53 (GMT+7)
Lãnh đạo Đảng, nhà nước dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng; Cần chiến lược dài hạn cho ngành trái cây Việt Nam; Nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam sành; Trồng lúa giảm phát thải được ưu đãi vay vốn lên đến 3 tỷ đồng.
Bản tin truyền hình trưa 7/4/2025
Tittle:
Sapo: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương. Cần chiến lược dài hạn cho ngành trái cây Việt Nam. Nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam sành. Trồng lúa giảm phát thải được ưu đãi vay vốn lên đến 3 tỷ đồng.
Tin1: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương
Duy Học thực hiện
Sáng 7/4, tức mùng 10 tháng 3 năm Ất Tỵ, Chủ tịch nước Lương Cường cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ.
Trong không khí trang nghiêm, đoàn dâng hương thực hiện nghi lễ truyền thống, rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”.
Trước anh linh các Vua Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đọc Chúc văn, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước; kính cáo trước anh linh các bậc tiền nhân về những thành tựu to lớn mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đã đạt được trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Sau lễ dâng hương, đoàn đã đến đặt vòng hoa tại lăng Hùng Vương và đài tưởng niệm “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” ở chân núi Nghĩa Lĩnh, ngã 5 Đền Giếng.
Tin 2: CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HẠN CHO NGÀNH TRÁI CÂY VIỆT NAM
Thanh Thủy tổng hợp
Việt Nam đang đối mặt rủi ro khi diện tích cây ăn trái tăng mạnh nhưng đầu ra chưa bền vững. Tổng diện tích cây ăn trái hiện đạt gần 1,27 triệu ha, tăng hàng trăm ngàn ha so với năm 2020. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thị trường xuất khẩu vẫn phụ thuộc lớn vào Trung Quốc – chiếm 65% kim ngạch trái cây tươi, riêng sầu riêng là hơn 95%.
Dù năm 2024 xuất khẩu trái cây tươi đạt kỷ lục 7,15 tỷ USD, nhưng tháng 1/2025 đã ghi nhận giảm 5,2% so với cùng kỳ do phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát chất lượng. Nhiều thị trường lớn cũng đặt ra rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật.
Theo đại diện Cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, sản xuất trái cây Việt Nam còn rời rạc, chưa có quy trình chuẩn, gây khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu thị trường. Để duy trì tăng trưởng, ngành cần chiến lược dài hạn, đa dạng thị trường và đầu tư khâu sau thu hoạch để tăng khả năng cạnh tranh.
Tin 3: NÔNG DÂN KHÔNG NÊN Ồ ẠT MỞ RỘNG DIỆN TÍCH TRỒNG CAM SÀNH
Thanh Thủy tổng hợp
Gần 2 tháng nay, giá cam sành ở Trà Vinh tăng từ 3.000–5.000 đồng/kg lên mức 8.000–10.000 đồng/kg. Dù giá tăng, phần lớn nhà vườn chỉ huề vốn hoặc lãi rất ít. Ngành nông nghiệp tỉnh lo ngại người dân sẽ ồ ạt mở rộng diện tích trong khi đầu ra chưa ổn định. Cam sành chủ yếu tiêu thụ nội địa, chưa có thị trường xuất khẩu, cũng thiếu doanh nghiệp thu mua chế biến sâu, dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu. Một số thương lái, cho biết lượng thu mua hiện tăng nhẹ lên 14–15 tấn/ngày, nhưng vẫn dè dặt do khó kiểm soát đầu ra. Tỉnh Trà Vinh hiện có hơn 3.400 ha cam sành, tập trung tại huyện Cầu Kè. Trước đây, mỗi ha có thể thu lãi 400–500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, 3 năm gần đây, giá cam giảm mạnh khiến nhiều nhà vườn thua lỗ, có nơi lỗ đến 200 triệu đồng/ha dù năng suất đạt 60 tấn.
Tin 4: TRỒNG LÚA GIẢM PHÁT THẢI ĐƯỢC ƯU ĐÃI VAY VỐN ĐẾN 3 TỶ ĐỒNG
Thanh Thủy tổng hợp
Để qthực hiện hiệu quả Đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long ”, hệ thống ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân. Người trồng lúa không cần thế chấp tài sản, chỉ cần chứng minh được phương án sản xuất hiệu quả là có thể vay vốn. Theo ông Trần Quốc Hà (Ngân hàng Nhà nước khu vực 14), nông dân có thể vay tín chấp đến 100 triệu đồng, hợp tác xã lên tới 3 tỷ đồng.
Agribank cũng hỗ trợ mạnh mẽ bằng cách giảm lãi suất tối thiểu 1% cho các hộ, tổ hợp tác, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết và nằm trong vùng chuyên canh của đề án. Tuy nhiên, nhiều địa phương chưa công bố vùng chuyên canh cụ thể, việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn hạn chế, gây khó khăn trong tiếp cận vốn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch VIETRISA, nhấn mạnh đề án sẽ giúp nông dân tăng lợi nhuận 5 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời giảm phát thải và chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành lúa gạo Việt Nam.