Tỉnh Trà Vinh định hướng nông dân và HTX duy trì phát triển sản phẩm dừa sáp Hòa Tân đạt chuẩn OCOP, tạo thương hiệụ, thực hiện truy xuất nguồn gốc hướng đến thị trường xuất khẩu.
Sản phẩm OCOP 4 sao dừa sáp Hòa Tân
Huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh được biết đến là thủ phủ dừa sáp của tỉnh, với diện tích hơn 1.000 ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Tân với 400 ha chuyên canh dừa sáp.
Hiện nay, xã Hòa Tân đang có khoảng 380ha dừa sáp đang trong giai đoạn cho trái. Hiệu quả kinh tế mang lại từ dừa sáp cao gấp nhiều lần dừa thường, giúp nhiều nông dân trong xã có cuộc sống ổn định.
Ông Thạch Siêm, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh: Năm công này, tuỳ theo, nhiều khi được 10 trái 15 trái một công vậy đó. Dừa sáp thì bán theo sáp, dừa khô bán theo khô, dừa sáp nó cũng được tám chục hoặc một trăm, trái bự thì một trăm trái, nhỏ thì tám chục, cũng đủ sống hai ông bà.
Dừa sáp được bà con nông dân đánh giá là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Mỗi năm, nông dân chỉ bón phân 3-4 đợt, mỗi đợt vài trăm gram. Ngoài ra, bà con còn tận dụng phân bón hữu cơ để bón thêm cho vườn cây, tiết kiệm phân hoá học. Phòng trừ bệnh cũng rất nhẹ nhàng, chú trọng phòng ngừa bọ cánh cứng và các loại sâu hại.
Ông Thạch Cộng, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh: Săn sóc không có mệt nhiêu đâu, mình trồng cây khác nó mệt hơn, cây xoài, cây cam nó mệt hơn cây này, số lượng cây ít không có thu hoạch cao như người ta, sống được.
Hiện nay, xã Hoà Tân đã thành lập được HTX nông nghiệp chuyên dừa sáp với 56 thành viên. Sản phẩm dừa sáp của HTX Hoà Tân đã được công nhận OCOP 4 sao. Tuy nhiên về đầu ra của dừa sáp chưa thật sự ổn định, bởi chưa có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nông dân phụ thuộc nhiều vào thương lái.
Ông Nguyễn Thanh Mới, Phó Chủ tịch xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh: HTX có xây dựng kế hoạch liên kết đầu ra với công ty Vicosap của Cầu Kè để tạo đầu ra cho bà con nông dân nói chung. Từ đó bà con có thu nhập ổn định lâu dài.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh đang định hướng nông dân và HTX duy trì phát triển sản phẩm OCOP, tạo thương hiệu cho dừa sáp địa phương phát triển hơn. Đồng thời, hướng dẫn nông dân thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Từ đó thu hút các doanh nghiệp đến liên kết, tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định, bền vững cho trái dừa sáp của tỉnh.