Nhân giống dừa sáp thành công bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Viên nén gỗ Việt Nam chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU. Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Sầu riêng và mít dẫn đầu về diện tích 11 trái cây đặc sản Tiền Giang.
NHÂN GIỐNG DỪA SÁP THÀNH CÔNG BẰNG CÔNG NGHỆ NUÔI CẤY MÔ TẾ BÀO
Trường Đại học Trà Vinh cho biết, các nhà khoa học của Trường đã nghiên cứu thành công phương phápnhân giống dừa sáp bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào.Phương pháp nuôi cấy mô tế bào cho phép tái sinh nguồn cây giống dừa sáp và giúp duy trì giống này một cách hiệu quả hơn. Đối với dừa sáp trồng từ phương pháp nhân giống truyền thống, tỷ lệ trái sáp thường chỉ < 25%, trong khi đối với giống dừa sáp lùn thì tỷ lệ đạt 20 - 40%. Phương pháp nuôi cấy phôi hữu tính là sử dụng phôi hữu tính từ trái sáp, nuôi cấy in vitro trong môi trường nhân tạo. Với phương pháp này, cây giống tạo ra có tỷ lệ trái sáp/quày theo lý thuyết có thể đạt 100% nhân giống dừa sáp.
VIÊN NÉN GỖ VIỆT NAM CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC CÁC TIÊU CHUẨN KHẮT KHE CỦA EU
Trái ngược với giá viên nén xuất khẩu trung bình năm 2022 đạt mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây thì ngay từ đầu năm 2023, do nguồn cung dồi dào, lượng hàng tồn cao đang tác động trực tiếp tới mức giá xuất khẩu mặt hàng này. Theo thông tin từ một số doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian tới mức giá xuất khẩu vào Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 110-120 USD/tấn và vào Nhật Bản còn 150-160 USD/tấn.Bên cạnh hàng tồn kho lớn, nguồn cung dồi dào cũng cho phép các doanh tại Nhật Bản siết lại các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững.Ngoài ra, viên né gỗ Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe EU đặt ra, bao gồm cả các yêu cầu về sản phẩm có chứng nhận bền vững mà rất ít doanh nghiệp từ Việt Nam có thể đáp ứng. Tính đến hết năm 2022 kim ngạch xuất khẩu viên nén của Việt Nam vào EU mới chỉ đạt khoảng 15 triệu USD, tương đương 1,9% trong tổng kim ngạch xuất mặt hàng này.
ĐỀ XUẤT ÁP THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI ĐỒ UỐNG CÓ ĐƯỜNG
Dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt có nội dung đề xuất "bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn... vào các mặt hàng chịu thuế TTĐB".Nhiều doanh nghiệp cho rằng cần đánh thuế TTĐB với các sản phẩm đồ uống chứa nhiều đường, hương liệu pha đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nhưng cũng cần phải rõ ràng trong định nghĩa, nếu không sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất và kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp.Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP.HCM - FFA cũng mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan bày tỏ "hết sức quan ngại với đề xuất bổ sung đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB" với mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe nhân dân, do tác hại của tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh khác.
SẦU RIÊNG VÀ MÍT DẪN ĐẦU VỀ DIỆN TÍCH 11 TRÁI CÂY ĐẶC SẢN TIỀN GIANG
Thời gian gần đây, nhiều loại cây ăn quả ở tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng giá. Trong đó, sầu riêng và mít là 2 loại trái cây giá cao nhất, dẫn đầu trong 11 loại trái cây đặc sản của địa phương.Cụ thể, sầu riêng giống Đô Na hiện được thương lái thu mua với mức giá trên 130.000 đồng/kg, các loại giống khác giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Đối với trái mít thương phẩm loại 1 được thương lái thu mua với giá trên 45.000 đồng/kg. Cá biệt giống mít Indo ruột đỏ có giá khoảng 100.000 đồng/kg, cao nhất trong năm qua, nhà vườn có lãi rất lớn do cây mít cho trái quanh năm và năng suất cao.Hiện nay, 2 loại trái cây này mỗi năm giúp nhiều nhà vườn có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha nhưng chính quyền và các ngành chức năng địa phương tuyên truyền, cảnh báo nông dân không phát triển vườn cây ồ ạt, nhất là trồng ngoài vùng quy hoạch, có nguy cơ dẫn đến “cung vượt cầu”.