Chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo mô hình gia trại, trang trại là xu hướng không thể đảo ngược. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trọng điểm, góp phần nâng cao tỷ trọng, gia tăng giá trị cho ngành chăn nuôi.
Phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo mô hình gia trại, trang trại là một trong những xu hướng phát triển của ngành chăn nuôi hiện nay. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, trọng điểm, góp phần nâng cao tỷ trọng, gia tăng giá trị cho ngành chăn nuôi.
Huyện Đầm Hà là địa phương có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung và tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh. Các mô hình có sự hợp tác giữa các hộ chăn nuôi, tạo thành chuỗi liên kết để cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đầm Hà đã hình thành các HTX sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, mang lại giá trị, lợi nhuận cao cho các hộ nông dân. Đơn cử là mô hình chăn nuôi ngan sao của HTX Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh).
PV ông Đinh Văn Thắng (Giám đốc HTX Thắng Huệ): Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã kết hợp và thành lập HTX, đến giờ đã có sản phẩm ngan sao Thắng Huệ là ngan sao OCOP. Vừa rồi chúng tôi liên kết với 15 hộ chăn nuôi ngan trên huyện Đầm Hà với sản lượng khoảng 20 tấn/năm cho thu nhập khoảng 500 triệu mỗi năm.
Bên cạnh ngan sao, huyện Đầm Hà còn nổi tiếng với sản phẩm trứng vịt biển Tân Bình. Được biết, Tân Bình là xã ven biển có khoảng 500ha bãi triều được người dân sử dụng để nuôi tôm, khai thác sá sùng, và các loài thủy hải sản khác.
Từ năm 2014, nhận thấy việc có thể tận dụng bãi triều để nuôi vịt đẻ trứng, nhiều hộ dân đã chuyển sang chăn thả giống vật nuôi này để phát triển kinh tế.
PV anh Hoàng Văn Mến (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà): Gia đình tôi ra đây làm kinh tế từ năm 2017, nhận thấy cấy lúa không năng suất nên chuyển sang nuôi vịt lấy trứng. Mới đầu số lượng khoảng 2-300 con, sau mở rộng thêm lên khoảng 1000 con. Bản thân tôi muốn quả trứng của mình đạt tiêu chuẩn thì phải chăm sóc tốt, trứng ngon thì khách hàng tìm đến càng nhiều thì mình có thêm thu nhập và mở rộng thêm mô hình.
Hiện nay, khó khăn lớn nhất với người nông dân chính là vốn đầu tư xây dựng, mở rộng các mô hình chăn nuôi. Từ đó, nâng cao năng suất, sản lượng cũng như thu nhập mỗi năm.
PV anh Lưu Văn Bằng (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà): Hiện tôi đang chăn gà Tiên Yên mô hình rộng 1,5ha, mỗi năm tôi nuôi 2-3 lứa, mỗi lứa khoảng 5000 con. Bây giờ tôi đang thiếu vốn để đầu tư phát triển thêm. Hàng không tồn, nuôi đến đâu hết đến đấy, tiêu thụ ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
Từ mô hình nuôi vịt biển, ngan sao đã mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân, những năm qua, xã Tân Bình nói riêng và huyện Đầm Hà nói chung đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, hỗ trợ người dân tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Pv bà Thanh (Chủ tịch Hội nông dân huyện Đầm Hà): Hiện nay trên địa bàn huyện Đầm Hà, Hội nông dân huyện đang rất tích cực trong việc hỗ trợ các hội viên nông dân phát triển mô hình sản xuất, nhất là các mô hình chăn nuôi. Hội nông dân huyện Đầm Hà cũng đã phối hợp với các ngành để hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật, để xây dựng các mô hình chất lượng cao. Ngoài ra, HND huyện Đầm Hà cũng đã triển khai các nội dung hỗ trợ người dân vay vốn để phát triển sản xuất. Ví dụ như vay vốn tín dụng từ các ngân hàng, vay từ quỹ hỗ trợ hội nông dân để các hộ phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng sản phẩm.
Có thể thấy, huyện Đầm Hà đã và đang phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó sự đóng góp của các HTX rất đáng ghi nhận. Hướng đi này đã và đang giúp Đầm Hà cải thiện đời sống của người dân, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng thu hẹp, tiến tới trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2025, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu phát triển quy mô đối tượng vật nuôi, vùng chăn nuôi tập trung, phát triển các sản phẩm chủ lực. Trong đó, đặt mục tiêu xây dựng 6 vùng chăn nuôi tập trung với hạ tầng đồng bộ thu hút khoảng 200 tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi.
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; hỗ trợ liên kết, khuyến khích sản xuất chăn nuôi hữu cơ. Từ đó, xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi Quảng Ninh một cách hiệu quả, bền vững.