Từ khi chuyển đổi sang gieo cấy giống lúa chất lượng cao Đài Thơm 8, xã Đông Tân (Đông Hưng, Thái Bình) đã xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm Từ năm 2015, người dân xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã xác định chuyển đổi cơ cấu từ giống lúa thương phẩm bình thường sang giống lúa chất lượng cao. Và cũng từ thời điểm đó, giống lúa Đài Thơm 8 của Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Việt Nam đã bén duyên với người dân tại đây. Với đặc tính chống chịu tốt, ít sâu bệnh, phổ thích nghi rộng, gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, năng suất cao, Đài Thơm 8 đã và đang trở thành người bạn thân thiết với người dân Đông Tân.
Ông NGUYỄN SỸ LUÂN
Xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình
Riêng giống Đài Thơm này, bản thân tôi là tôi được cấy đầu tiên từ năm 2015. Trước khi đưa giống về đây gia đình chúng tôi cấy khảo nghiệm 2 mẫu. Cấy xong khi ra thị trường người ta chấp nhận được. Thứ nhất vào năm mưa lụt lội đổ hết nhưng gia đình tôi không bị đổ, thứ 2 là giống lúa này thơm ngon. Cho nên từ đó đến giờ chỉ mỗi vụ đầu thôi chứ đến vụ thứ 2 là dân tập trung vào giống lúa Đài Thơm 8 này.
Nếu như trước đây bà con chủ yếu gieo cấy bằng tay, chăm sóc một cách tự phát. Thì nay, cơ giới hoá trong sản xuất đã tạo ra sự đồng đều cả về chất lượng lẫn sản lượng lúa. Không những vậy, người dân xã Đông Tân còn đồng lòng xây dựng cánh đồng mẫu lớn rộng hơn 400 ha với giống chủ đạo là Đài Thơm 8. Và để nâng cao hiệu quả của giống lúa chất lượng cao này, HTX sản xuất kinh doanh gạo chất lượng cao xã Đông Tân đã đứng ra đảm nhận tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng sản phẩm gạo OCOP của địa phương.
Ông PHẠM HOÀNG SỸ
Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh gạo chất lượng cao xã Đông Tân
Để có hạt gạo OCOP được chấm điểm 3 sao đến 4 sao thì HTX đang xây dựng diện tích để quy vùng, cùng nhau xuống giống, cùng nhau chăm sóc, quá trình thực hiện IPM để chăm sóc, cùng thời điểm…hạn chế sử dụng thuốc hoá học, trong khi đó xác định giống đài thơm đã hình thành được vùng rồi thì có thời điểm, có ngày, thu hoạch đến đâu về sấy đến đó. Đảm bảo đúng hương vị của mùi hương lúa.
Có thể nói, xây dựng nhãn hiệu lúa gạo OCOP của từng địa phương đánh dấu bước chuyển đổi quan trọng trong tư duy sản xuất lúa, từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế. Không bán thóc tươi mà đi vào chế biến, gia tăng giá trị hạt gạo. Việc thay đổi này bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với canh tác truyền thống.