Cà Mau: Hàng trăm hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt
Thứ Tư 26/03/2025 , 13:03 (GMT+7)
Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0; Giá heo hơi hạ nhiệt, nhưng giá thịt vẫn cao; Sâu bệnh hại lúa xuất hiện tại nhiều địa phương; Cà Mau: Một xã có 642 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
THÚC ĐẨY TÀI CHÍNH XANH HƯỚNG ĐẾN MỤC TIÊU PHÁT THẢI RÒNG BẰNG 0
Thực hiện: Viết Dũng
Thông tin tại cuộc họp về kỹ thuật thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam diễn ra ngày 25/3, Ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa các-bon (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, theo báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định NDC, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030. Nguồn tài chính cần thiết tương ứng là 21,5 tỷ USD.
Chi phí cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính chiếm từ 3 – 5% GDP mỗi năm. Với cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã và đang thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, cùng với nỗ lực huy động các quỹ đầu tư nước ngoài về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện nay, Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện dự thảo quy định về danh mục phân loại xanh. Đặc biệt, vấn đề kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính trong khuôn khổ dự án sẽ được tính đến nhằm hướng tới góp phần vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia.
GIÁ HEO HƠI HẠ NHIỆT, NHƯNG GIÁ THỊT VẪN CAO
Trần Phi
Trong tuần qua, giá heo hơi trên cả nước đã giảm nhẹ, dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, sau thời gian dài duy trì ở mức cao. Tại miền Bắc, giá heo hiện dao động từ 70.000 - 72.000 đồng/kg, trong khi miền Trung và Tây Nguyên có mức giá từ 70.000 - 77.000 đồng/kg. Miền Nam ghi nhận mức giá giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức cao nhất, từ 76.000 - 78.000 đồng/kg.
Các chuyên gia cho rằng, giá heo hơi giảm chủ yếu do nguồn cung tăng lên sau giai đoạn giá cao kéo dài, khi người chăn nuôi tái đàn mạnh. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu thịt heo đông lạnh và tình trạng nhập lậu heo sống từ Campuchia cũng tác động đến giá cả thịt heo trong nước. Tuy nhiên, giá thịt tại các chợ và siêu thị vẫn giữ mức cao. Mặc dù giá heo giảm, các chi phí trung gian như vận chuyển, nhân công vẫn còn lớn, khiến giá bán lẻ chưa có sự điều chỉnh. Người tiêu dùng hy vọng giá thịt sẽ giảm trong thời gian tới.
SÂU BỆNH HẠI LÚA XUẤT HIỆN TẠI NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG
Tại một số địa phương hiện nay bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu - rầy lưng trắng, bọ xít… đã xuất hiện trên trà lúa xuân; sâu xám, sâu đục thân, sâu cắn lá, bệnh khô vằn, chuột… phát sinh trên cây ngô; sâu tơ, bọ nhảy, bệnh sương mai… gây hại trên loại rau ăn lá…
Còn tại miền Nam, các sinh vật gây hại trên lúa Đông Xuân 2024-2025 đang tăng diện tích nhiễm, trong đó, tăng nhiều là bệnh cháy bìa lá, đạo ôn cổ bông, vàng lá chín sớm, lem lép hạt trên lúa giai đoạn trổ chín. Bệnh thối hạt vi khuẩn và rầy lưng trắng phát sinh mới trên trà lúa giai đoạn đòng, trổ chín.
Để bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả của các loại cây trồng, ngành nông nghiệp các địa phương cần quan tâm tới việc dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh hại, chủ động hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời.
CÀ MAU: MỘT XÃ CÓ 642 HỘ GIA ĐÌNH BỊ THIẾU NƯỚC SINH HOẠT
Văn Vũ
Theo báo cáo của UBND xã Biển Bạch, toàn xã có 642 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, có 283 hộ do công trình cấp nước xuống cấp, không đủ nước cung cấp; 30 hộ gần đường ống cấp nước, nhưng chưa tiếp cận được nước từ công trình; 218 hộ sinh sống tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước; 111 dân cư sống thưa thớt, phân tán. Do nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nên người dân sử dụng chủ yếu từ nguồn nước mưa dự trữ hoặc mua nước từ các ghe nước ngọt từ nơi khác chở đến.
Mới đây, trong chuyến khảo sát tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại ấp Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải yêu cầu, các đơn vị chức năng của tỉnh cần nhanh chóng nghiên cứu, có giải pháp hữu hiệu để giúp người dân sớm có nước ngọt sinh hoạt; nhanh chóng triển khai các giải pháp để đảm bảo 100% người dân của xã có nước sạch sử dụng, sinh hoạt hằng ngày.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về hai loại hình tài chính xanh phổ biến hiện nay là tín dụng xanh và trái phiếu xanh.