| Hotline: 0983.970.780

Viễn thông vẫn tậm tịt, điện vẫn mất, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh sốt ruột kiểm tra ngay trong đêm

Thứ Hai 09/09/2024 , 23:36 (GMT+7)

Tối và đêm 9/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra, đôn đốc, động viên công nhân điện lực và nhà mạng Viettel cố gắng, quyết tâm sớm khắc phục sự cố.

Ông Cao Tường Huy (áo trắng) kiểm tra công tác khắc phục sự cố điện lưới sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Ông Cao Tường Huy (áo trắng) kiểm tra công tác khắc phục sự cố điện lưới sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Để động viên các đơn vị tập trung khắc phục sau bão số 3, tối 9/9, ông Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đi kiểm tra công tác xử lý điện, mạng viễn thông và hệ thống bơm thoát nước tại địa bàn TP Hạ Long và TP Cẩm Phả.

Theo đại diện Điện lực Quảng Ninh, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho hạ tầng ngành điện. Trên địa bàn tỉnh có tổng số 9 cột 110kv thì có đến 4 cột đổ, 5 cột bị nghiêng; 13 trạm biến áp hư hỏng, hơn 300 cột trung áp bị gẫy và nghiêng…

Công nhân điện lực Quảng Ninh sửa chữa điện lưới trong đêm. Ảnh: Vũ Cường.

Công nhân điện lực Quảng Ninh sửa chữa điện lưới trong đêm. Ảnh: Vũ Cường.

Sau bão, tình hình mưa lớn kéo dài, việc khắc phục lưới điện gặp nhiều khó khăn. Hiện ngành điện đã huy động cán bộ, công nhân viên điện lực tại nhiều tỉnh, thành về Quảng Ninh tăng cường hỗ trợ, tập trung ưu tiên cấp điện cho các khu vực trọng điểm, các khu công nghiệp, đơn vị ngành than và các khu đô thị… Trong đó, ngày 9/9 đã cấp điện cho Công ty Than Đèo Nai, Thống Nhất, Nam Mẫu, Vàng Danh, đêm cùng ngày sẽ hoàn thành sửa chữa, cấp điện cho các mỏ Hà Tu, Núi Béo để phục vụ sản xuất.

Đối với các đơn vị khác, Điện lực Quảng Ninh đang quyết tâm trong ngày 10/9 sẽ hoàn thành cấp điện cho 100% các mỏ và các KCN trên địa bàn tỉnh. Riêng điện sinh hoạt của nhân dân, hiện tỷ lệ cấp điện đã đạt 60%, đơn vị đang tập trung nhân lực, phương tiện để tập trung khắc phục, xử lý, cấp điện lại cho 100% nhân dân trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch Quảng Ninh (đứng giữa) kiểm tra công tác khắc phục sự cố mạng viễn thông bị mất sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Chủ tịch Quảng Ninh (đứng giữa) kiểm tra công tác khắc phục sự cố mạng viễn thông bị mất sau bão số 3. Ảnh: Vũ Cường.

Về lĩnh vực viễn thông, Thiếu tá Đào Như Quỳnh, Giám đốc Viettel Quảng Ninh cho biết cơn bão số 3 đã gây hư hỏng gần 1.000 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) của Viettel, các tuyến cáp quang lớn bị ngập, bị treo do gãy cột điện làm các tuyến truyền dẫn kết nối về trạm bị mất, dẫn đến mất liên lạc.

Trong 2 ngày vừa rồi, Viettel đã khắc phục được 60% các trạm. Hiện Viettel có 2 đoàn công tác từ các tỉnh với gần 1.000 người đang "dàn quân" ra các huyện, thị, thành phố của Quảng Ninh, riêng Hạ Long có 300 người đang tập trung khắc phục sự cố. Dự kiến ngày mai, ngày kia sẽ khắc phục xong các sự cố tại trạm BTS khu vực Hạ Long.

"Một số địa phương đã cơ bản đảm bảo là Móng Cái, Hải Hà, Ba Chẽ, Tiên Yên. Nặng nhất là Hạ Long, Đông Triều và Uông Bí, Viettel đang nỗ lực hết sức để khắc phục", ông Quỳnh cho hay.

Cột điện đổ la liệt trên quốc lộ 18, qua địa bàn TP Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường.

Cột điện đổ la liệt trên quốc lộ 18, qua địa bàn TP Cẩm Phả. Ảnh: Vũ Cường.

Sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác xử lý, khắc phục sự cố ngay trong đêm, ông Cao Tường Huy đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng từ các đơn vị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân ngành điện, viễn thông đã không quản ngày đêm, nắng mưa, có mặt tại hầu khắp các khu vực để tập trung xử lý sớm các sự cố do bão gây ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tập trung khắc phục, xử lý ngay các hạ tầng cung cấp nhu cầu thiết yếu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân như điện, nước, viễn thông.

Trong quá trình triển khai, cần thực hiện rà soát, đánh giá tác động, có phương án khắc phục, nâng cấp hạ tầng ngành để kịp thời ứng phó đối với các sự cố sau này.

"Phải bố trí người thường trực tại các vị trí xung yếu, khu vực quan trọng để vận hành hiệu quả, cung cấp điện, nước an toàn, ổn định; đối với các trạm bơm chống lụt, phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, vận hành thiết bị nhằm đảm bảo tốt nhất, phát huy hiệu quả, công năng khi có sự cố. Trong quá trình xử lý sự cố, cần ưu tiên cho công tác an toàn lao động, phối hợp với các đơn vị, địa phương để xử lý ngay các tình huống phát sinh, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chất lượng khi đưa vào vận hành lại các hệ thống", ông Huy nhấn mạnh.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.