Thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án
Tại phiên họp Quốc hội vào sáng 6/11, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, cho biết: Hoạt động của Tòa án thời gian qua có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác. Các tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Một số lĩnh vực chưa đạt theo yêu cầu nhưng có những tiến bộ rõ rệt.
Bên cạnh đó, tòa án đã thực hiện nghiêm trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Từ 1/10/2015, đến tháng 9/2020 tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án. Đã giải quyết dứt diểm 15 trường hợp và giải quyết 60/76 vụ dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện tại các cơ quan nhà nước về yêu cầu bồi thường.
Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp và giảm dần qua các năm, hiện ở mức dưới 1,5%.
Cũng theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng Trung ương, tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn, áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản Nhà nước và đặc biệt là chú trọng thu hồi tài sản bị xâm hại.
Phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu
Còn đối với ngành Kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết đã yêu cầu tập trung đổi mới công tác cán bộ, yêu cầu người đứng đầu phải phát huy trách nhiệm của mình, đặc biệt là người đứng đầu các cấp kiểm sát phải chịu trách nhiệm khi đơn vị mình không hoàn thành nhiệm vụ.
Khẳng định thời gian qua ngành kiểm sát đã kiểm sát chặt chẽ nguồn tin về tội phạm và áp dụng các biện pháp ngăn chặn, ông Lê Minh Trí cho biết “đã yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố hơn 3.000 vụ án, hủy bỏ 78 quyết định khởi tố vụ án.
Đồng thời Viện Kiểm sát đã trực tiếp khởi tố và yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra tiến hành điều tra 92 vụ án hình sự, trực tiếp hủy bỏ hơn 600 quyết định không khởi tố vụ án hoặc quyết định khởi tố vụ án”.
Ngoài ra còn hủy hơn 3.300 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn thiếu căn cứ, trái pháp luật.
“Qua công tác kiểm sát đã phát hiện nhiều bản án, quyết định vi phạm pháp luật và ban hành hơn 5.600 kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Qua đó góp phần quan trọng khắc phục oan sai trong giải quyết án hình sự”, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Tỷ lệ Chủ tịch UBND và đại diện UBND không tham gia các phiên tòa hành chính còn cao”. Bên cạnh đó, tội phạm về tín dụng đen, đòi nợ thuê, mua bán người, ma túy vẫn diễn biến phức tạp.
Việc phát hiện và xử lý tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em còn thấp so với thực tế. Tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố hàng năm chưa đạt yêu cầu, vẫn còn một số vụ việc oan sai, yêu cầu bồi thường chưa được giải quyết.
Nhận định tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, tuy nhiên theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm và chưa tương xứng với các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện. Việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các Bộ, ngành còn gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ tiêu chí cụ thể.