| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 04/05/2020 , 05:35 (GMT+7)
Vũ Hữu Sự

Vũ Hữu Sự

Nhà Văn 05:35 - 04/05/2020

Tượng vua và án oan

Có một đội ngũ thẩm phán giỏi, liêm chính, xét xử một cách khách quan, công minh và vô tư, đúng người đúng tội, thì chẳng cần dựng tượng đồng, nhân dân cũng tôn vinh.

Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) vừa có văn bản gửi các cấp tòa trên cả nước về việc lấy ý kiến lựa chọn mẫu phác thảo tượng vua Lý Thái Tông để đặt tại trụ sở TANDTC, tòa án quân sự và TAND các cấp, làm biểu tượng công lý.

Lý do để TANDTC lựa chọn vua Lý Thái Tông (tên là Lý Phật Mã, sinh năm 1000, mất năm 1054) làm biểu tượng công lý, là vì vị vua này đã ban hành bộ “hình thư”, một bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Ngoài ra, nhà vua cũng tự mình xét xử một số vụ án với lòng khoan dung nhân từ, và ngài cũng là người cho đúc chuông treo trước hoàng cung để người dân có oan ức thì đến đó đánh lên để thấu tới tai ngài.

Việc này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Thứ nhất, nếu nhà vua là người ban hành bộ luật thành văn đầu tiên trong lịch sử, nay muốn tôn vinh ngài, thì tượng của ngài phải đặt ở trụ sở Quốc hội và văn phòng HĐND các cấp chứ sao lại đặt ở trụ sở TAND các cấp? Bởi làm luật và ban hành luật là Quốc hội, còn TAND chỉ xét xử theo luật.

Thứ hai, đúng là vua Lý Thái Tông có đích thân xét xử một số vụ án. Nhưng những vụ án đó không phải là những vụ án nổi tiếng, tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong tâm thức dân tộc. Nên những vụ án đó không được lưu truyền rộng rãi trong dân gian kiểu như tài xử án của Bao Chửng đời Tống bên Trung Quốc, ngoài những người nghiên cứu lịch sử ra, rất ít người biết vua Lý Thái Tông đã xét xử những vụ án nào?

Thứ ba, ở ta có 717 TAND các cấp, từ tòa huyện, tòa tỉnh đến tòa tối cao. Nếu đúc tới chừng ấy tượng để dựng ở chừng ấy trụ sở tòa án, thì phải mất một lượng tiền khổng lồ.

Ngoài ra, đã đúc tượng thì phải tổ chức lễ dựng tượng, lễ “hô thần nhập tượng”, cũng tốn kém vô cùng. Đất nước ta còn nghèo, lại vừa bị tổn thất vì đại dịch Covid-19. Làm thế, có tốn kém, lãng phí quá không?

Và thứ tư, tượng vua chỉ là hình thức. Còn làm nên nội dung, làm nên linh hồn của các tòa án là đội ngũ thẩm phán. Có một đội ngũ thẩm phán giỏi, liêm chính, chí công vô tư, xét xử một cách khách quan, công minh và vô tư, đúng người đúng tội, thì chẳng cần dựng tượng đồng, nhân dân cũng tôn vinh. Bởi lòng dân mới là nơi đặt tượng lý tưởng nhất.

Nếu dựng được tượng trong lòng dân, thì tự thân tòa đã trở thành một biểu tượng của công lý, lưu truyền mãi mãi trong sử sách rồi.

Ngành tòa án của ta, mấy năm nay với những vụ án oan chấn động xã hội như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Trần Văn Thêm... và hàng chục vụ “chạy án”, hàng chục thẩm phán bị bắt quả tang vì nhận hối lộ, vì tham ô, phải ra tòa nhận án tù, đã trở nên mất uy tín nặng nề trước nhân dân.

Vì vậy, thay vì đúc và dựng những pho tượng để rồi chẳng bao lâu sẽ trở thành những khối đồng gỉ xanh, chi bằng ngành tòa án hãy tập trung vực dậy lòng tin của nhân dân.