| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/03/2020 , 10:25 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 10:25 - 05/03/2020

Án oan và nguyên tắc suy đoán vô tội

Ngày 5/3, Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng, vì đã bị bắt giam oan uổng vào 17 năm trước.

Ông Bùi Mạnh Lân (áo xanh). Ảnh: Vietnamnet.

Ông Bùi Mạnh Lân (áo xanh). Ảnh: Vietnamnet.

Vào năm 2000, ông Bùi Mạnh Lân là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hưng Thịnh và ông Phạm Văn Hướng là Phó Tổng Giám đốc Công ty Hưng Thịnh, có tranh chấp dân sự với đối tác ở Công ty gas Bình Dương.

Năm 2003, khi khởi tố vụ án “gây rối trật tự công cộng” liên quan đến sự cố trên, hai điều tra viên cao cấp Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” để bắt khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng.

Tổng cộng, ông Bùi Mạnh Lân bị tạm giam 41 ngày còn ông Phạm Văn Hướng bị tạm giam 63 ngày, mà “không có lệnh hợp pháp”. Sau hành trình dằng dặc kiên trì khiếu nại, hai nạn nhân mới được trả lại ánh sáng công lý!

Hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” của hai điều tra viên cao cấp Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng được xác định có động cơ toan tính riêng tư. Thế nhưng, vai trò của Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp khác ra sao, cũng là điều đáng suy tư.

Ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng đều là những nhân vật thành đạt nhất định, mà vẫn phải lâm vào hoàn cảnh bi đát như vậy, thì thử hỏi những người dân thấp cổ bé họng sẽ làm sao tránh được án oan?

Bây giờ, Bộ Công an căn cứ theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, để xin lỗi công khai đối với ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng, nhưng trách nhiệm của những cá nhân gây ra thảm kịch kia vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Muốn xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật và ứng xử văn minh, thì cần phải chấm dứt tệ nạn “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Bởi lẽ, nếu không có sự giám sát thường xuyên và sự chế tài nghiêm khắc, thì nhiều kẻ nhân danh thi hành công vụ sẽ làm càn, làm quấy dẫn đến những án oan nhức nhối lương tri cộng đồng.

Từ lâu, các quốc gia tiến bộ đã áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” như một nền tảng quan trọng để đảm bảo quyền lợi chính đáng của con người trước pháp luật.

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội, cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định, và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Trên thực tế, các hoạt động điều tra và truy tố vẫn tồn tại khuynh hướng “suy đoán có tội” để nhìn nhận bị can, bị cáo như là người phạm tội, rồi tùy tiện áp dụng biện pháp trừng phạt!

Án oan, một phần do trình độ nghiệp vụ hạn chế của điều tra viên, nhưng cốt lõi vẫn là chưa tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Khi và chỉ khi, nguyên tắc “suy đoán vô tội” được phổ cập vào nhận thức của từng nhân viên công vụ, thì mới có thể kiến thiết các giá trị công bằng và bình đẳng cho hệ thống pháp luật nước ta.

Bình luận mới nhất