Cục Thống kê Hoa Kỳ ghi nhận số liệu tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường nước này trong quý I/2019, với Việt Nam là 40,2% - tốc độ cao tuyệt đối.
Trường hợp ngoại lệ
Số liệu trên được dẫn trên bản tin của Bloomberg ngày 28/5, theo đó, bạn hàng truyền thống của Mỹ là Hàn Quốc cũng chỉ đứng thứ hai với tốc độ tăng trưởng kém xa, ở mức 18,4%.
Đáng chú ý là Trung Quốc, dù vẫn dẫn đầu về kim ngạch với 539,5 tỷ USD năm 2018 nhưng quý I/2019 suy giảm mạnh tới 13,9% so với cùng kỳ. Cục Thống kê Hoa Kỳ ước tính kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đến hết năm 2019 vẫn đứng số 1 với 464,5 tỷ USD, nhưng như vậy, xét về con số tuyệt đối thì đó là sự đi xuống rõ rệt khi chênh lệch với năm ngoái là âm 75 tỷ USD.
Sản phẩm dệt may là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao sang thị trường Mỹ. |
Số hụt đi từ thị trường Trung Quốc còn cao hơn cả kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ được dự báo cho cả năm 2019 (với điều kiện tốc độ tăng trưởng quý I vẫn giữ được) là 68,995 tỷ USD. Nhưng chừng đó cũng đủ để đẩy Việt Nam từ vị trí 12 trong quý I lên vị trí thứ 7, vượt qua cả Italy, Pháp, Anh, Ấn Độ và Ailen trong số những nước có giá trị hàng hóa xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ.
Bloomberg nhận định, Việt Nam đã trở thành một ngoại lệ ở châu Á, ở vào thời điểm mà nhiều nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới đang chịu nhiều tác động từ những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
“Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, vùng lãnh thổ Đài Loan đều trải qua những cơn co thắt hồi tháng 4, trong khi xuất khẩu của Việt Nam lại tăng 7,5%”, theo Bloomberg.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng để né tránh các biểu thuế mới Mỹ áp cho hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chi phí nhân công còn thấp, trong khi môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện liên tục thực sự là điểm cộng của Việt Nam trong cái nhìn của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.
Mỹ muốn đầu tư từ Việt Nam
Dự kiến trong các ngày 10 - 12/6 tới, một đoàn doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tổ chức đi tìm hiểu thị trường Mỹ. Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, giới chức kinh tế Mỹ đã tổ chức nhiều sự kiện trong thời gian qua tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để vận động các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Mỹ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink nhận định: “Đầu tư vào Mỹ là một trong các quyết định tốt nhất mà các công ty Việt Nam có thể có, nhất là khi nền kinh tế của Việt Nam đang tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng. Khi các công ty được lợi từ sự tăng trưởng này, họ nên tìm cách mở rộng sang các thị trường mới và điều đương nhiên cần xem xét một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ”. Đại sứ Kritenbrink mong muốn doanh nghiệp Việt Nam đến Mỹ tìm hiểu trực tiếp và nắm lấy cơ hội đầu tư vào nước này.
Trong xu hướng này, Đài tiếng nói Hoa Kỳ lấy ví dụ hai doanh nghiệp Việt Nam là FPT và Viettel đã “vươn tầm” khi không chỉ đưa hàng hóa, sản phẩm tiếp cận thị trường quốc tế mà còn xây dựng được hệ thống các văn phòng hoạt động ổn định ở nước ngoài. “Đó là cách xây dựng thương hiệu quốc gia trên toàn thế giới”, Đài tiếng nói Hoa Kỳ nhận định.