Theo một báo cáo ngày 6/4 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, diễn biến kinh tế thế giới và khu vực Kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Thương mại đầu tư trì trệ, các chuỗi sản xuất bị gián đoạn, thị trường tài chính tiền tệ chao đảo, thị trường hàng hóa quốc tế biến động liên tục,…
Dự báo tăng trưởng năm 2020 của Trung Quốc xuống còn 2,2% (so với 6% tại thời điểm tháng 01/2020, Mỹ tăng trưởng âm 2% (so với 2% trước đây). IMF cũng dự báo một loạt các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 như Đức (-3,4%), Pháp (-3,9%), Anh (-3,1%),...
Trong khi đó, đánh giá mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức độ thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh sẽ dao động từ 675 triệu đến 3,7 tỷ USD (tương đương 0,3-1,4% GDP).
Những lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng duy trì được mức tăng trưởng dương.
Cụ thể, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08% (cùng kỳ tăng 2,68%).
Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp đạt 5,28%, mức tăng cùng kỳ của năm 2019 (9%) và năm 2018 (10,45%). Theo báo cáo đánh giá, sản xuất công nghiệp tăng chậm lại do tác động của dịch Covid19 dẫn đến tình trạng “khó khăn kép” về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và thị trường xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là ngành chế biến, chế tạo, sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, sản xuất ở Việt Nam.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất từ dịch Covid-19, tăng trưởng khu vực dịch vụ chỉ đạt 3,27%, thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2011-202018 và thấp hơn mức tăng trưởng chung.
Về xuất, nhập khẩu hàng hóa, tốc độ tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa giảm mạnh do dịch Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, các giải pháp ứng phó trước tình hình dịch bệnh thời gian qua được quốc tế đánh giá là kịp thời, nhanh, quyết liệt và hiệu quả. Hiện nay, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, khó lường, chưa dự báo được thời điểm kết thúc, quy mô cũng như phạm vi tác động.
Để tập trung phòng, chống, giảm thiểu tác động, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Chỉ thị đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội… Uớc tính tổng giá trị của các chính sách tiền tệ, tài chính khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 12 tỷ USD.