Ngày 6/4, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ký báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 để báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo để hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội trong Kỳ họp tới.
Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kinh tế quý I năm nay tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua nhưng trong bối cảnh hiện nay, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Đặc biệt, một số vấn đề xã hội quan tâm đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý I/2020 cho thấy, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2020 có xu hướng chững lại, tỷ lệ gia tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong quý I có xu hướng chững lại.
Tính chung quý I, cả nước có 29,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 351,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% về số doanh nghiệp, giảm 6,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Tính cả số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 552.419 tỷ đồng (giảm 23,5%), tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt khoảng 903.788 tỷ đồng, giảm 17,7%.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đang e ngại trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong quý I năm 2020 là 243.711 lao động, giảm 23,3%.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 14,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 1,6%, trong khi tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2019 tăng đến 78,1%. Đây là điều đáng lo ngại bởi theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian quý I thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ nhiều nhất.
Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát nên doanh nghiệp vẫn đang chần chừ, nghe ngóng thông tin để có phương án tối ưu nhất. Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp hiện nay, đó là tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để xem xét tình hình tiến triển của dịch bệnh, rồi quyết định tiếp tục kinh doanh hay đóng cửa doanh nghiệp, chưa đóng cửa doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Điều này thể hiện ở sự gia tăng mạnh về số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn và giảm về số doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể.
Trong quý I, có gần 34,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước), bao gồm: 18,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước; 12,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 20,6%, 4,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, (giảm 0,02%).
Tình hình lao động, việc làm cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp, thất nghiệp tăng cao.
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó, 11 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, 10,4 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 18 triệu lao động phi chính thức. Tổng hợp báo cáo nhanh của các doanh nghiệp, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất.
Bước sang đầu tháng 3, đặc biệt tuần thứ 2 của tháng 3, khi dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm từ 70-80%.
Tính từ 1/1/2020 đến 26/3/2020, đã có trên 153 nghìn người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như: vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống…
Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II sẽ có trên 250 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II sẽ có 400 nghìn lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.