Ngày 19/7, lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Lào và Campuchia có cuộc làm việc trực tuyến, thông qua bản tuyên bố chung về "Hệ thống lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững" nhằm chuẩn bị cho Cuộc họp trù bị "Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021" của Liên Hợp Quốc sắp diễn ra.
Đại diện Bộ NN-PTNT Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam đánh giá cao sáng kiến này của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản nhằm chuẩn bị cho cuộc họp trù bị Hội nghị thượng định về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.
Theo Thứ trưởng, thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19đã và đang gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu.
Trong khi đó, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đã và đang là những thách thức lớn để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng cho 7,9 tỷ dân trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, thiên tai, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương, đạt mức tăng 2,68% trong năm 2020. Ngoài đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt 41,53 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2019. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản đạt 24,23 tỷ USD, tăng tới 28,2% so với cùng kỳ năm trước.
"Việt Nam rất hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến thông qua Tuyên bố chung về Hệ thống lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững giữa Nhật Bản và các nước ASEAN nhằm giúp định hướng và chung tay hành động để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Ông nói thêm, Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, cả song phương và đa phương trong Hệ thống lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững, thông qua hợp tác đổi mới khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển các tổ chức nông dân, cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường nhằm tạo ra những thay đổi sâu rộng của cả hệ thống.
"Việc này sẽ tạo điều kiện thực hiện tốt hơn công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng ở các vùng nông thôn, dân tộc thiểu số và nhóm dễ bị tổn thương. Đây cũng là cơ hội để kết nối, phát triển chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững", đại diện Bộ NN-PTNT Việt Nam chia sẻ với các đại biểu.
"Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ NN-PTNT Việt Nam nhất trí thông qua Tuyên bố chung về Hệ thống lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững do Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản đề xuất", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.
Theo đó, bản tuyên bố chung sẽ đề cập đến những đặc điểm địa lý tương đồng của các quốc gia tham gia như độ ẩm cao và nhiệt độ cao, ruộng lúa phong phú và tỷ lệ nông hộ có quy mô vừa và nhỏ cao.
Vì vậy, các quốc gia sẽ nỗ lực tối đa để có được hệ thống lương thực và sản xuất nông nghiệp bền vững, đồng thời tin tưởng rằng đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp cùng các ngành liên quan là chìa khóa cho mục tiêu này.