![vinh-du-nguoi-cam-co-1527_20210720_349.jpeg Năm nay, Việt Nam sẽ có 2 người cầm cờ tại lễ khai mạc Olympic.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/bao_in/2021/07/20/vinh-du-nguoi-cam-co-1527_20210720_349-173507.jpeg)
Năm nay, Việt Nam sẽ có 2 người cầm cờ tại lễ khai mạc Olympic.
Ở hai kỳ Olympic gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam giao trọng trách cầm cờ lễ khai mạc cho các kiếm thủ. Olympic London 2012 là Nguyễn Tiến Nhật, và 4 năm sau là Vũ Thành An tại Olympic Rio 2016. Điểm chung của họ, là ngoại hình "sáng" và đều mang kỳ vọng giật huy chương.
Tuy nhiên, ở những kỳ Thế vận hội trước nữa, người cầm cờ chủ yếu là các VĐV điền kinh. Trong đó, năm 1988 là Nguyễn Đình Minh, năm 2004 là Bùi Thị Nhung, và năm 2008 là Nguyễn Đình Cương. Đó giống như một lời khẳng định niềm tin và quyết tâm của thể thao Việt Nam trong việc hòa nhập với sân chơi thế giới. Ngoài những môn cá nhân, Việt Nam còn muốn tập trung vào các môn Olympic.
Với sân chơi này, bơi và điền kinh luôn được xem môn cơ bản. Và năm nay, Việt Nam cử VĐV của hai môn này cầm cờ. Việc chọn Quách Thị Lan và Nguyễn Huy Hoàng cầm cờ trong lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 dựa trên nhiều yếu tố, từ thành tích, vóc dáng và cả lịch thi đấu. Ai cũng hiểu như thế, nhất là nhìn vào thành tích của Quách Thị Lan.
Cô gái xứ Mường là VĐV điền kinh duy nhất của Việt Nam tham dự Thế vận hội Tokyo ở nội dung 400m rào nữ. Lịch sử điền kinh Việt Nam chỉ có duy nhất một VĐV vượt qua vòng loại đầu tiên tại Olympic, đó là Vũ Thị Hương, ở nội dung 100m nữ tại Bắc Kinh 2008. Chị đạt thành tích 11,65 giây, vào tứ kết, trước khi dừng bước.
So với đàn chị, cơ hội của Quách Thị Lan rõ nét hơn. Kỷ lục cá nhân của cô là 55 giây 30 tại Asiad 2018, nghĩa là đủ khả năng vào tới vòng bán kết. Nếu có thể nâng thành tích lên tốt hơn, Lan thậm chí làm điều không tưởng là lọt vào vòng chung kết, nơi 8 VĐV cùng tranh HCV.
Rất giàu tiềm năng và đạt đỉnh cao từ sớm, nhưng sự nghiệp của Quách Thị Lan tỏ ra lận đận. Đơn cử như việc tranh HCV SEA Games, cô chưa một lần lên đỉnh vinh quang nào, dù giành 2 HCV đồng đội ở nội dung tiếp sức 4x400m. Như một sự sắp đặt của số phận, những ánh hào quang trên đường chạy này dồn cả vào đồng đội người Nam Định - Nguyễn Thị Huyền.
Trải qua nhiều thăng trầm, Quách Thị Lan không nản chí, để rồi giành danh hiệu quán quân 400m rào nữ tại Giải Vô địch châu Á 2019, 3 tấm HCV được trao muộn ở Giải Vô địch châu Á 2017, và cuối cùng là Asiad 2018. Ở tuổi 26, hơi "quá lứa" so với những chân chạy nữ khác của Việt Nam, nhưng Quách Thị Lan dường như lại đang ở phong độ tốt nhất.
Được trao suất đặc cách tới Olympic Tokyo, nhưng Quách Thị Lan đến Nhật Bản không chỉ để thực hiện nghĩa vụ "người cầm cờ". Bằng nỗ lực bản thân, cô và những thế hệ kế tiếp sẽ giúp điền kinh Việt Nam tiếp cận với trình độ thế giới, giống như cách đã chinh phục đấu trường SEA Games hơn chục năm qua.