| Hotline: 0983.970.780

Sóc Trăng vươn lên ‘top’ đầu xuất khẩu ở vùng ĐBSCL

Thứ Bảy 08/02/2025 , 10:51 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu 2024 của Sóc Trăng chạm mốc gần 1,9 tỷ USD, vươn lên ‘top’ 4 ở ĐBSCL, thành công này có sự đóng góp của các doanh nghiệp thủy sản hàng đầu.

Nhìn lại chặng đường xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2020 - 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh duy trì ở mức trên dưới 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Sóc Trăng chạm mốc xấp xỉ 1,9 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4 trong khu ĐBSCL, sau tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp.

Năm 2024, Sóc Trăng vươn lên đứng vị trí thứ 4 ở vùng ĐBSCL về kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng lớn thứ hai trong toàn vùng. Ảnh: Kim Anh.

Năm 2024, Sóc Trăng vươn lên đứng vị trí thứ 4 ở vùng ĐBSCL về kim ngạch xuất khẩu và có mức tăng lớn thứ hai trong toàn vùng. Ảnh: Kim Anh.

Tỉnh Sóc Trăng hiện có nhiều doanh nghiệp “đầu đàn” trong lĩnh vực thủy sản, có đóng góp đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương cũng như toàn vùng ĐBSCL.

Rõ nét nhất, trong danh sách 49 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản xuất sắc năm 2024 được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) công bố, tỉnh Sóc Trăng là địa phương dẫn đầu, với 4 doanh nghiệp được vinh danh.

Trong đó, Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) giữ vị trí số 1; Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta xếp thứ 2 và Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh, Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Cleanfood) cùng thuộc nhóm thứ 3.

Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đối mặt nhiều thách thức, những thành tích trên là minh chứng cho sự bản lĩnh, linh hoạt, nỗ lực và sáng tạo trong phương án kinh doanh của các doanh nghiệp. Giúp Sóc Trăng khẳng định vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu thủy sản của vùng.

Sóc Trăng có nhiều doanh nghiệp 'đầu đàn' trong lĩnh vực thủy sản, đóng góp đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Sóc Trăng có nhiều doanh nghiệp “đầu đàn” trong lĩnh vực thủy sản, đóng góp đáng kể vào chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Tại chương trình họp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng với doanh nghiệp, nhà đầu tư vào ngày 6/2, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã bày tỏ ngạc nhiên trước những chuyển biến tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng.

“Sóc Trăng không phải là tỉnh lớn, nhưng đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu của vùng ĐBSCL. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh. Nhờ đó, vai trò và sức ảnh hưởng của Sóc Trăng đối với kinh tế vùng ngày càng được nâng cao”, ông Lam nhấn mạnh.

Dẫn thêm số liệu từ Tổng cục Thống kê, ông Lam cho biết, năm 2024 cũng là năm đầu tiên sau 6 năm tỉnh Sóc Trăng có số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường nhiều nhất. Cụ thể, gần 500 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 5,4% so năm 2023. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư cho 11 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 7.200 tỷ đồng. Đồng thời, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 2.700 tỷ đồng.

Theo ông Lam, môi trường kinh doanh của Sóc Trăng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, chính quyền tỉnh đã giải quyết 100% các kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các cuộc đối thoại.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát hạ tầng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vùng nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát hạ tầng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vùng nuôi trồng thủy sản của các doanh nghiệp. Ảnh: Kim Anh.

Bước sang năm 2025, chuyên gia kinh tế này nhận định, kinh tế trong nước và thế giới sẽ có nhiều biến động. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Sóc Trăng cần tập trung nắm bắt 3 yếu tố trọng tâm.

Cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL (bao gồm Sóc Trăng) đang được đầu tư mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới.

Biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt là những thị trường có nhu cầu cao về nông, thủy sản - lĩnh vực mà Sóc Trăng đang có lợi thế, các doanh nghiệp cần lưu ý khai thác để bứt phá.

Đặc biệt, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, dự kiến sẽ vận hành sau 3 năm nữa. Điều này mở ra một thị trường giao dịch mới cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến của Sóc Trăng nói riêng. Do đó, doanh nghiệp cần tận dụng thời cơ này, đưa vào chiến lược kinh doanh. Bởi việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh sẽ là yếu tố quyết định trong việc tiếp cận những thị trường khó tính trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Lam cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cần nhanh chóng triển khai các chương trình hành động cụ thể để bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp quy mô lớn. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp vững tin trong đầu tư và kéo theo những doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng cùng phát triển.

Khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp và doanh nhân, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh: “Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, bạn hàng vào đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định và lâu dài”.

Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Ông Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng khẳng định, cộng đồng doanh nghiệp là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, chính quyền địa phương rất quan tâm, hỗ trợ kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động tổ chức đối thoại, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cũng mong muốn lắng nghe hiến kế từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng cam kết tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Với vai trò là cầu nối, đại diện cho tiếng nói, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tạo dựng và vun đắp tinh thần đoàn kết, hợp tác, tương trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của tỉnh.

Xem thêm
Trung Quốc tự chế biến sầu riêng vào tháng 6

Việc xây nhà máy chế biến sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc - Hainan Youqi Toucan - tại TP Tam Á, đảo Hải Nam diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ.

Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Nafoods và Tuấn An phát triển vùng nguyên liệu dứa

Sau chanh leo, Nafoods Group kỳ vọng thông qua dự án phát triển vùng nguyên liệu dứa với đối tác uy tín là Công ty Nông sản Tuấn An.   

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

Bình luận mới nhất