Theo đó, chiều dài đoạn sạt lở khoảng 500m, chiều rộng (ăn sâu vào bờ) từ 200 – 250m với diện tích trên 45.000m2, gây thiệt hại 12 căn nhà tường, 1 căn nhà gỗ và 1 nhà kho. Vụ sạt lở trên đã ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 58 nhân khẩu; trong đó, có 12 hộ bị sạt lở hoàn toàn, 4 hộ đang di dời. Bên cạnh đó, sạt lở đã cuốn trôi 1 xe cuốc đang thi công công trình đê bao, 2 ao nuôi cá chốt. Tổng thiệt hại ban đầu ước khoảng 35 tỷ đồng.
Hiện có 9 người về trung tâm văn hoá xã Hoà Ninh tạm trú, còn lại về nhà người thân tạm trú. Trước mắt, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai huyện hỗ trợ mỗi hộ bị sụp nhà 2 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cần thiết. UBND xã Hoà Ninh cũng đề xuất bố trí những hộ dân không còn đất ở vào khu vượt lũ.
Tại hiện trường sáng 6/12, người dân cho biết sạt lở vẫn còn tiếp diễn. Các hộ dân cho biết sạt lở diễn ra bất ngờ, mọi người rất bàng hoàng không kịp di dời tài sản. Căn nhà của gia đình ông Cao Văn Mười cùng hơn 1.000m2 đất vườn trồng nhãn xuồng đã bị cuốn trôi mất từ chiều hôm qua. Bà Thu, vợ ông Cao Văn Mười nghẹn ngào cho biết từ hôm qua đến nay bà phải ở nhờ nhà người cháu gần đó bởi không còn nơi để đi.
Hộ bà Nguyễn Thị Kim Tư, có 4.500m2 đất vườn trồng chôm chôm và nhãn xuồng. Bà nói năm ngoái do ảnh hưởng của Covid-19 nên chỉ bán được mười mấy triệu đồng. Năm nay, gia đình định o bế lại vườn tược thì bây giờ không còn cơ hội nữa. Nói về vụ sạt lở này, bà Kim Tư cho hay: “Từ hồi đó giờ đâu thấy tình trạng như thế này. Tính nó lở ngoài mé, rồi 2-3 ngày hoặc 1 tháng mấy lở nữa, lở ít ít thôi chứ đâu mà lở 1 tiếng đồng hồ cả 4-5 công đất”.
Theo như người dân cho biết, 3-4 tháng nay có tình trạng xáng cạp lấy cát gần khu vực sạt lở. Ngay khi vụ sạt lở xảy ra, phương tiện mới ngưng và nhanh chóng nhổ neo bỏ đi. Trao đổi với chúng tôi, một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long cho biết: Gần khu vực sạt lở không có mỏ cát nào được cấp phép. Cách khu vực này 500m về phía hạ lưu sông có một mỏ cát của một doanh nghiệp được cấp phép hoạt động.