Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh được xem có vai trò quan trọng trong chăn nuôi. Sau gần 10 năm thành lập, Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật thuộc chi cục đã phát huy năng lực, góp phần quan trọng vào bảo vệ đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Chi cục được đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ tay nghệ cao và xây dựng Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2017, mang mã số VLAT - 1.190. Trạm cũng đã được Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm.
Hiện nay, Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật đã được Cục Thú y chứng nhận đủ năng lực xét nghiệm 11 chỉ tiêu như: Phát hiện virus cúm A/H5N1, Newcatle, Dịch tả lợn Châu Phi, Salmonella gây bạch lỵ và thương hàn, Cúm gia cầm H5N6 bằng phương pháp PCR; định danh vi khuẩn E.Coli và thử kháng sinh đồ bằng Vitek 2; Định lượng kháng thể Cúm, Newcastle bằng phương pháp HI;
Đặc biệt, có thể phát hiện kháng thể virus Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, dịch tả lợn bằng phương pháp Elisa, đáp ứng yêu cầu trong phòng, chống dịch bệnh động vật và quản lý nhà nước về thú y trên địa bàn.
“Công tác giám sát dịch bệnh chủ động, luôn được Chi cục đặc biệt quan tâm, hàng năm Chi cục đã tổ chức thu thập và phân tích hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trên đàn gia cầm tại hơn 30 chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn tỉnh để giám sát bệnh Cúm gia cầm” ông Nguyễn Hiệp Khôi chia sẻ.
Đặc biệt, trong năm 2019, Chi cục đã thu thập và phân tích gần 4.000 mẫu bệnh phẩm để sàng lọc và phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, kết quả xét nghiệm đã góp phẩn xử lý ổ dịch kịp thời, chính xác, góp phần hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi.
“Kết quả chẩn đoán, xét nghiệm bệnh là căn cứ quan trọng để Chi cục tham mưu và thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Chăn nuôi Thú y trên trên địa bàn như: Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật; công tác quản lý cơ sở an toàn dịch bệnh; quản lý về điều kiện vệ sinh thú y,…”, ông Khôi nhấn mạnh.
Theo ông Khôi, trong 6 tháng đầu năm 2020, các chỉ tiêu quản lý nhà nước và sự nghiệp thuộc lĩnh vực chuẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kết quả đã giúp công tác giám sát chủ động nhằm phát hiện sớm ổ dịch, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm và đánh giá hiệu quả bảo hộ của gia súc, gia cầm sau tiêm phòng vắc xin.
Chi cục đã chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, nhân viên thú y cấp xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Công tác phòng, chống dịch Tả lợn Châu Phi trọng tâm là vệ sinh khử trùng tiêu độc, kiểm soát chặt chẽ người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển ra vào khu chăn nuôi lợn, cho lợn ăn và uống theo nguyên tắc ăn chín, uống sôi…
Ông Khôi cũng cho biết, dự kiến 6 tháng cuối năm, Chi cục sẽ tiến hành giám sát 1.500 mẫu cúm gia cầm, trong đó có 300 mẫu giám sát lưu hành vi rút và 1.200 mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc xin cúm. Cùng đó, tiến hành thu thập, chuẩn đoán phân biệt, test nhanh tổng số 100 mẫu bệnh phẩm. Và giám sát lâm sàng, thu thập và xét nghiệm bệnh gia súc, gia cầm tổng số 2.850 mẫu bệnh phẩm.
Trong thời gian tới, Trạm sẽ phối hợp với phòng chuyên môn, trạm Chăn nuôi Thú y huyện, thành phố tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nhằm phát hiện sớm, tham mưu các biện pháp chống dịch kịp thời. Đồng thời, phối hợp thực hiện tốt nội dung xét nghiệm phục vụ công tác quản lý Nhà nước về Thú y trên địa bàn.