| Hotline: 0983.970.780

Vợ chồng người Dao làm nghề lạ, dân cả thôn có thu nhập

Thứ Sáu 25/11/2022 , 14:19 (GMT+7)

Hàng trăm người có việc làm, có thu nhập đã góp phần đưa thôn nghèo người dân tộc dao Quan Nưa, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn về đích nông thôn mới.

Ý chí thoát ra khỏi những cánh rừng

Mặc dù là một thôn nằm trên địa phận thị xã Bắc Kạn (nay là TP Bắc Kạn), nhưng trước năm 2000 thôn Quan Nưa gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, thiếu đường giao thông, thiếu điện lưới quốc gia. Kinh tế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy, vì vậy mà cuộc sống của người dân quanh năm nghèo khó.

Từ những năm 2005 trở đi, những cánh rừng ót, lau sậy ít giá trị ở Quan Nưa đã được thay thế bằng những màu xanh của rừng trồng theo các chương trình trồng rừng của tỉnh Bắc Kạn. Các loại gỗ rừng như keo, mỡ, bồ đề… đã bắt đầu đến tuổi khai thác, đem lại thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn chỉ là bán gỗ thô, lợi nhuận không cao, đa số người trồng rừng vẫn mang tính chất bỏ công sức ra làm lãi.

Nhận thấy diện tích rừng trồng lớn, với nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao, nên vợ chồng chị Bùi Thị Quyên đã quyết tâm tận dụng những lợi thế ở địa phương với mục đích thoát nghèo cho gia đình. Đến năm 2007, để khởi nghiệp vợ chồng chị đã tới làng nghề ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) học hỏi quy trình sản xuất hạt cườm làm các sản phẩm mành, rèm, chiếu, đệm ô tô...

Đến năm 2009, vợ chồng chị Quyên đã mở cơ sở sản xuất hạt cườm gỗ, tự tay vừa làm vừa học hỏi nâng cao tay nghề. Nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại gỗ như thông, mỡ và bồ đề. Đây là nghề lạ mà trước đây không người dân bản nào ở địa phương từng nghe nói đến và cũng không tưởng tượng được làm thế nào để biến những cây gỗ to thành những hạt tròn nhỏ như viên bi.

80d121d7a50f6051391e

Từ chỗ chỉ 2 vợ chồng chị Bùi Thị Quyên tự làm, đến nay đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người dân địa phương. Ảnh: Toán Nguyễn.

Vươn ra biển lớn

Sau 10 năm hoạt động (tức năm 2019), vợ chồng chị Quyên đã nghĩ đến việc nâng cấp từ cơ sở sản xuất lên quy mô lớn hơn để tiện giao dịch hàng hóa, phát triển thị trường, vì vậy mà Hợp tác xã Văn Quyến được thành lập.

Đến nay, HTX Văn Quyến đã có 9 xưởng sản xuất hạt cườm tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, như Dương Quang (TP Bắc Kạn); Đôn Phong, Dương Phong, Quân Hà (Bạch Thông); thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn)… Các xưởng sản xuất đã tạo việc làm ổn định thường xuyên cho hơn 100 người và hàng trăm lao động thời vụ ở các địa phương.

Chị Bùi Thị Quyên, Giám đốc HTX Văn Quyến chia sẻ: Sản phẩm của hợp tác xã hiện nay tiêu thụ chủ yếu cho các thị trường Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Thị trường ngày càng mở rộng, không lo bị tồn ế sản phẩm và thường xuyên phải tăng ca để đáp ứng lượng hàng cung cấp cho các đối tác.

Việc HTX Văn Quyến phát triển lớn mạnh qua từng năm cũng đã giúp cho nhiều người dân vùng cao có đời sống kinh tế khó khăn do thiếu đất sản xuất có công ăn việc làm. Cụ thể như vợ chồng bà Trịnh Thị Hoàn ở thôn Quan Nưa, là công nhân cho HTX Văn Quyến từ năm 2014 đến nay, thu nhập trung bình được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Bà Hoan chia sẻ rằng, cả 2 vợ chồng đã hơn 60 tuổi, sức khỏe yếu, làm hạt gỗ thấy phù hợp, công việc nhẹ nhàng, nhưng đòi hỏi tỷ mỉ, rất mong muốn HTX sẽ luôn phát triển để bà con có công ăn, việc làm.

032399f41d2cd872813d

Việc làm hạt gỗ của HTX Văn Quyến phù hợp với sức khỏe, tạo thu nhập cho nhiều người dân nghèo địa phương. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Lường Tuấn Nhã, Chủ tịch UBND xã Dương Quang, TP Bắc Kạn thông tin, HTX Văn Quyến là điểm sáng trong hoạt động sản xuất, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho các hộ dân ở địa phương. Do công việc nhẹ nhàng, không đòi hỏi nhiều sức khỏe, nên đơn vị không chỉ duy trì lượng công nhân trực tiếp, mà còn giúp cho hàng trăm người dân (có cả người già và học sinh) nhận việc về làm để có thêm thu nhập.

HTX Văn Quyến đã góp phần tích trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Dương Quang nói riêng và TP Bắc Kạn nói chung, qua đó được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng bằng khen vào tháng 6/2022 do có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.