| Hotline: 0983.970.780

Với điều kiện thuận lợi, Hậu Giang luôn kiên định phát triển nền nông nghiệp bền vững

Thứ Ba 12/12/2023 , 14:35 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định cam kết của địa phương sản xuất lúa lớn bậc nhất cả nước trong việc góp phần thực hiện các cam kết minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại hội thảo chiều 12/12. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang phát biểu tại hội thảo chiều 12/12. Ảnh: Quỳnh Chi.

Tỉnh Hậu Giang được thành lập năm 2004, là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có diện tích tự nhiên toàn tỉnh trên 1.622km2, dân số gần 730.000 người. Trung tâm của tỉnh là thành phố Vị Thanh, cách TP.HCM 240km về phía Tây Nam, cách Cần Thơ 40km.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, quy mô kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,94% đứng thứ 4 cả nước và đứng đầu ĐBSCL; năm 2023 đạt 12,27%, xếp thứ 2 cả nước, thu ngân sách đạt gần 7.000 tỉ đồng, thu nhập bình quân 80,33 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.300 USD).

Nhận xét về điều kiện tự nhiên của tỉnh Hậu Giang, ông Thành nói "khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp". Nguyên nhân nhờ nguồn nước ngọt dồi dào với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, chiều dài hơn 2.300km. Trong đó, nổi bật có tuyến kênh Xáng Xà No có bề dày lịch sử hơn 120 năm nối sông Hậu và biển Tây, đây là tuyến vận tải lúa gạo đầu tiên của miền Nam Việt Nam.

Một trong số những cây trồng chủ lực và nổi bật của Hậu Giang là cây lúa. Hiện diện tích đất trồng lúa toàn tỉnh là 79.000 ha, chiếm 56,2% diện tích đất nông nghiệp, hàng năm gieo trồng 2 - 3 vụ lúa, sản lượng đạt khoảng 1,2 triệu tấn lúa, đóng góp trên 54% giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản.

"Những năm qua, ngành lúa gạo tỉnh Hậu Giang nói riêng và ngành lúa gạo Việt Nam nói chung, đã có những bước phát triển đáng kể, từ sản xuất thô sơ, sử dụng sức người là chính, năng suất thấp, đến nay công nghệ, kỹ thuật đã đạt đến tầm cao mới, sử dụng cơ giới hóa, công nghệ thông minh, sản xuất nhiều loại giống năng suất, chất lượng lúa gạo đã được nâng lên", Bí thư Thành nói.

Nhờ một loạt thành quả này, tỉnh Hậu Giang cũng như khu vực ĐBSCL góp phần đưa Việt Nam vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, thiếu lương thực và trở thành quốc gia có khả năng tự đảm bảo an ninh lương thực và vươn lên xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Bí thư Nghiêm Xuân Thành đánh giá, những thành tựu kể trên là nhờ vào việc thực hiện nhiều chiến lược căn cơ, chính sách thiết thực và sự mở rộng quan hệ hợp tác đã thúc đẩy công tác nghiên cứu chọn tạo giống, đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật trong canh tác lúa; sự tham gia tích cực của các bên liên quan trong phát triển chuỗi giá trị lúa gạo; sự ủng hộ của bạn bè và các tổ chức quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và thương mại cho ngành lúa gạo.

Trong số những dự án thành công trong phát triển ngành hàng lúa gạo của Hậu Giang, Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt ghi nhận sự thành công của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) và dự án các Trung tâm đổi mới sáng tạo xanh (GIC). Ông coi đây là cơ sở thực tiễn phong phú để các bên chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy phát triển lúa gạo bền vững, kết nối chuỗi giá trị, phát triển thương mại và duy trì an ninh lương thực toàn cầu.

Các đại biểu từ khu vực châu Phi trải nghiệm công nghệ canh tác lúa tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các đại biểu từ khu vực châu Phi trải nghiệm công nghệ canh tác lúa tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Quỳnh Chi.

Từ ngày 11 đến 15/12, tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và các tổ chức quốc tế như IRRI tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo. Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện, Hội thảo đối thoại chính sách Việt Nam - Châu Phi: Hợp tác Nam – Nam, hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực nhằm mục tiêu thúc đẩy đối thoại về quy mô, phương thức, hiệu quả hợp tác kỹ thuật giữa Việt Nam và một số quốc gia Châu Phi được tổ chức vào chiều 12/12.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhìn nhận, đây là dịp để chia sẻ kinh nghiệm, cơ chế thúc đẩy về hợp tác Nam – Nam trong phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của châu Phi; phát triển thương mại lúa gạo, kết nối chuỗi giá trị thực phẩm nông sản và an ninh lương thực toàn cầu.

"Tôi tin tưởng rằng, sự kiện này sẽ đánh dấu bước hợp tác quan trọng của Việt Nam và các tổ chức quốc tế về phối hợp khoa học, kỹ thuật và thể chế trong Hợp tác Nam - Nam nhằm hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Đây cũng là thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam, trong đó có Hậu Giang luôn chung tay phát triển nền nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực toàn cầu", ông Thành nhấn mạnh.

Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là một trong những hoạt động của chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập tỉnh Hậu Giang (1/1/2004 - 1/1/2024).

Nhân dịp này, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang gửi lời chúc mừng tới lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các vị khách quý quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân đã đến với địa phương.

Xem thêm
Công tác nhân sự đại hội Đảng các cấp phải thực hiện nghiêm, đúng nguyên tắc

Ngày 20/11, Đảng ủy Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 cụm khu vực huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Giảm chi phí, tăng năng suất nhờ ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ

Sóc Trăng Hơn 291.000 nông dân ĐBSCL đã ứng dụng bản tin thời tiết nông vụ, giúp bà con đưa ra quyết định canh tác phù hợp, giảm rủi ro, tăng năng suất, cải thiện thu nhập.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xe chở rác lao xuống cầu, 2 người mất tích

Thừa Thiên - Huế Lực lượng chức năng vẫn đang tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ tai nạn xảy ra tại cầu treo Bình Thành, thị xã Hương Trà.