Diễn biến của vụ án như sau: Khi rời quân ngũ, ông Quản Đắc Họp (thương binh nặng mất 75% sức khỏe, ngụ tại xã Vân Côn, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) được cấp có thẩm quyền giao cho một thửa đất làm thổ cư.
Sát với mảnh đất đó có một thửa đất công, được UBND xã Vân Côn giao cho thôn quản lý. Thôn đã cho ông Họp thầu thửa đất đó, thời hạn thầu đến hết năm 2007.
Ngày 19/7/2003, ông Đỗ Đăng Chuyên và con trai là Đỗ Đăng Của (tức Cẩu) đem người nhà đến xây tường chiếm mảnh đất ông Họp đang thầu, và chiếm luôn một phần thổ cư nhà ông.
Đây có thể gọi là một vụ cướp đất trắng trợn. Ông Họp cùng hai con trai là Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy ra ngăn chặn, xô xát đã xảy ra.
Ngày 15/12/2003, ba bố con ông Quản Đắc Họp bị Công an huyện Hoài Đức khởi tố bị can về hành vi “cố ý gây thương tích” cho bố con ông Chuyên, theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS). Vụ án sau đó được chuyển lên Công an tỉnh Hà Tây cũ, rồi Công an TP Hà Nội điều tra.
Nhưng đến nay, sau 12 năm, đã có cả chục bản kết luận điều tra (KLĐT) và KLĐT bổ sung, đã 3 lần Viện Kiểm sát Nhân dân ra cáo trạng truy tố, nhưng đều bị Tòa án Nhân dân trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vì sao vụ án kéo dài như vậy?
Khi đọc hồ sơ vụ án, Luật sư Lương Quang Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư An Thái (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 3 bị can, đã tìm ra câu trả lời.
Thứ nhất là hai bản kết luật giám định (KLGĐ) pháp y ghi thương tích của Đỗ Đăng Của là 34,16% và thương tích của Đỗ Đăng Chuyên 21% lại do Công an xã Vân Côn cung cấp cho Công an huyện. Công an xã không có thẩm quyền trưng cầu giám định. Vậy vì sao Công an xã lại có hai bản KLGĐ trên?
Việc Công an huyện Hoài Đức ra quyết định trưng cầu giám định sau đó là nhằm “hợp thức hóa” hai bản KLGĐ trên của Công an xã Vân Côn.
Việc làm này của Công an huyện Hoài Đức đã vi phạm các Điều 64; 155 Bộ luật TTHS. Và hai bản KLGĐ trên là bất hợp pháp, không thể dùng làm căn cứ để khởi tố các bị can.
Thứ hai dao rựa, tuýp sắt được cơ quan điều tra coi là công cụ mà bố con ông Họp dùng để gây thương tích cho bố con ông Chuyên, là tang vật của vụ án, lại không được thu giữ, bảo quản theo quy định tại các Điều 74; 75 Bộ luật TTHS.
Không có vật chứng là công cụ phạm tội thì tại sao các bị can lại bị khởi tố, truy tố theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật TTHS trong trường hợp “dùng hung khí nguy hiểm”?
Thứ ba, cơ quan điều tra chỉ sử dụng lời khai của những nhân chứng là cháu ruột, con nuôi, con rể ông Chuyên, và có người đã trực tiếp cùng ông Chuyên tham gia vụ cướp đất nhà ông Họp ngày 19/7/2003, làm căn cứ.
Nhưng chính những lời khai này cũng đầy mâu thuẫn. Ví như lời khai của anh Nguyễn Công Long (con nuôi ông Chuyên): Bản KLĐT bổ sung ngày 8/6/2012 ghi lời khai của anh Long là “nhìn thấy Quản Đắc Quý dùng dao rựa chém anh Của”, nhưng tại bản KLĐT bổ sung ngày 8/4/2014 Long lại khai “chỉ nhìn thấy Quý cầm đất ném vào mặt Của và đuổi Của, không nhìn thấy Quý dùng dao rựa chém Của. Sở dĩ khai nhìn thấy Quý chém Của là do Của bảo Long phải khai như vậy…”.
12 năm, với cả chục bản KLĐT và KLĐT bổ sung, 3 lần ra cáo trạng, mà không chứng minh được tội của các bị can, thì theo quy định của Bộ luật TTHS và nguyên tắc suy đoán vô tội, CQĐT cần ra quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Quản Đắc Họp và hai con ông là Quản Đắc Quý, Quản Đắc Thúy. |
Bản thân lời khai của hai người bị hại cũng đầy mâu thuẫn. Chỉ một vết thương ở trán, một vết thương ở tay, mà Của lúc thì khai do bị ông Họp chém, lúc lại khai do bị Quý chém.
Đối với Quản Đắc Thúy, bản KLĐT ngày 12/11/2004 của Công an tỉnh Hà Tây ghi: “Thúy có vụt vào đầu Của một nhát bằng tuýp sắt”. Nhưng tất cả các bản KLĐT bổ sung sau đó lại kết luận: “Thúy dùng tuýp sắt vụt về phía anh Của, nhưng Của đỡ được nên trúng vào tay”.
Cáo trạng số 83/KSĐT ngày 30/9/2011 của Viện KSND huyện Hoài Đức thì ghi là Thúy dùng tuýp sắt vụt về phía Của, nhưng Của đỡ được nên tuýp sắt “trúng vào đầu ngón tay trỏ bàn tay phải của Của”.
Trong bản KLGĐ pháp y (dù là bất hợp pháp) của Đỗ Đăng Của không ghi Của bị thương ở đầu ngón tay trỏ bàn tay phải. Vậy căn cứ vào đâu để Viện KSND huyện Hoài Đức truy tố Quản Đắc Thúy về tội cố ý gây thương tích theo Khoản 3 Điều 104 Bộ luật TTLHS?
Luật sư Lương Quang Tuấn đặt câu hỏi: “Có ai bị truy tố về tội với khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù chỉ với hành vi vụt tuýp sắt vào ngón tay trỏ bàn tay phải của người khác mà không gây thương tích không?”.
Cũng theo Luật sư Lương Quang Tuấn, càng điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng trong vụ án này càng bộc lộ những thiếu sót, mâu thuẫn, vi phạm thủ tục tố tụng.
Giả sử có hành vi gây thương tích thật, thì cơ quan điều tra, Viện KSND cũng phải chứng minh ai đã có hành vi gì, dùng hung khí gì, đánh ai, gây thương tích ở đâu và tỷ lệ thương tật cụ thể là bao nhiêu?
Đằng này cơ quan điều tra, Viện KSND lại tổng hợp cả 3 bố con ông Quản Đắc Họp để truy tố về cùng một tội, cùng một điều luật áp dụng là không đúng.