| Hotline: 0983.970.780

Vụ lúa đông xuân trọn niềm vui

Thứ Tư 24/03/2021 , 10:15 (GMT+7)

Bố trí mùa vụ hợp lý, né được hạn mặn, cơ cấu giống phù hợp, giá lúa cao, vụ đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL trọn vẹn niềm vui.

Sáng 24/3 tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị sơ kết vụ đông xuân 2020-2021 và triển khai vụ hè thu ở khu vực Nam bộ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) chủ trì hội nghị này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) chủ trì hội nghị này. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chủ động giảm khoảng 30 nghìn ha lúa

Vụ đông xuân 2020-2021, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,51 triệu ha lúa, giảm khoảng 30 nghìn ha. Năng suất ước đạt 7,5 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10.713 nghìn tấn, tăng 144 nghìn tấn. Nguyên nhân giảm diện tích và sản lượng lúa đông xuân tại ĐBSCL do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn của năm 2020 đã điều chỉnh giảm diện tích lúa khoảng 30 nghìn ha.

Trong đó, các tỉnh Tiền Giang giảm 6 nghìn ha, Trà Vinh 2 nghìn ha, Vĩnh Long giảm 5 nghìn do chuyển đổi cây trồng. Tỉnh Kiên Giang giảm 5 nghìn, Sóc Trăng giảm 8 nghìn ha, Đồng Tháp gieo muộn 4 nghìn ha chuyển sang vụ hè thu.

Thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch lúa đông xuân 2020-2021 ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng: Điểm nhấn của vụ đông xuân năm nay là tình hình hạn mặn vẫn còn gay gắt, nhưng với sự chủ động và kích hoạt ứng phó với hạn mặn chúng ta đã làm tốt hơn. Việc điều chỉnh giảm diện tích có chủ động đạt được mục tiêu đề ra. Đặc biệt, vụ đông xuân này năng suất lúa đạt rất cao (7,5 tấn/ha), riêng Cần Thơ đạt tới 7,6 tấn/ha.

Kiên định, bố trí thời vụ hợp lý

Đánh giá của Cục Trồng trọt, sản xuất lúa vụ đông xuân 2020-2021 trong bối cảnh tình hình tiêu thụ lúa gạo có nhiều triển vọng, giá lúa bán cao đang có lợi cho nông dân và xuất khẩu gạo ổn định. Công tác triển khai sản xuất đông xuân 2020-2021 tại các tỉnh, thành vùng Nam bộ được tiến hành sớm ngay từ tháng 10 năm 2020.

Đặc biệt, thời vụ đông xuân 2020-2021 đã được triển khai sớm hơn 20-30 ngày với diện tích xuống giống nhiều hơn ở vùng ven biển. Những vùng còn lại phân bố thời gian xuống giống xen kẽ để chia sẻ nguồn nước khi thiếu hụt cho sản xuất.

Vụ đông xuân 2020-2021 giá lúa cao, nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ đông xuân 2020-2021 giá lúa cao, nông dân phấn khởi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong các tháng 10 và 11 năm 2020 liên tục chịu ảnh hưởng nhiều cơn bão lớn số 7, số 8 gây mưa to liên tục trên diện rộng kết hợp triều cường cao dẫn đến một số diện tích cần chủ động xuống giống sớm do thoát nước chậm. Tuy nhiên, các địa phương đã kịp thời khắc phục khẩn trương bơm tát và chủ động xuống giống theo nước rút nên vẫn đảm bảo đúng kế hoạch.

Một số diện tích phải xuống giống chậm do điều kiện tự nhiên và ảnh hưởng kéo dài của mùa vụ thu đông năm 2020 như Bạc Liêu khoảng 31 nghìn ha. Diện tích còn lại xuống giống không trong khung thời vụ khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT như ở Bến Tre 161 ha, Trà Vinh 5.000 ha, Kiên Giang khoảng 100 nghìn ha.

Giống đáp ứng thị trường xuất khẩu

Phải khẳng định cơ cấu giống lúa các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo.

Theo đó, nhóm lúa thơm, đặc sản: (Jasmine 85, ST, RVT, Tài Nguyên và Nàng Hoa 9) chiếm tỷ lệ 22,0% tổng diện tích, tăng 0,2 % so với đông xuân 2019 – 2020.

Nhóm lúa chất lượng cao OM5451, Đài Thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976... chiếm tỷ lệ 55,5 %, tăng 1,0% so với đông xuân 2019 - 2020.

Nhóm lúa chất lượng trung bình IR50404, OM576, OC10... chiếm tỷ lệ 9,5%,  giảm 1,3% so với đông xuân 2019-2020. Nhóm nếp chiếm tỷ lệ 13,0 %, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhóm khác, các giống lúa chất lượng cao không phổ biến, các giống lúa triển vọng, chiếm tỷ lệ 3,0%, giảm 1,2% so với đông xuân 2019-2020.

Vụ đông xuân 2020-2021, diện tích thực hiện cánh đồng lớn khoảng 160 ngàn ha, diện tích bao tiêu sản phẩm đạt 190 nghìn ha. Theo tính toán, ở ĐBSCL, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10 đến 15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20 đến 25%, thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha.

Thời vụ và cơ cấu giống vụ hè thu thế nào?

Theo kế hoạch vụ hè thu 2021, ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Tiến độ xuống giống lúa vụ hè thu đến ngày 20/3 ước đạt 305 nghìn ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 40 nghìn ha do lúa đông xuân gieo sớm thu hoạch xong xuống lại vụ hè thu. Vụ thu đông 2021 kế hoạch vùng ĐBSCL gieo sạ 725 nghìn ha.

Theo kế hoạch vụ hè thu 2021 ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo kế hoạch vụ hè thu 2021 ĐBSCL gieo sạ 1,52 triệu ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuống giống trong tháng 3, 4 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc QL I Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang… diện tích xuống giống đạt 700.000 ha.

Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long), diện tích xuống giống đạt 600.000 ha.

Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50 km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam). Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú).

Tỉnh Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú). Tỉnh Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm). Tỉnh Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và Giá Rai). Tỉnh Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên và U Minh Thượng) và Cà Mau, diện tích xuống giống đạt 220.000 ha.

Cơ cấu nhóm giống lúa chính vụ hè thu

Nhóm giống lúa chủ lực trắng trong, hạt dài: Đài Thơm 8, OM5451, OM6976, OM4900, OM7347, OM4218,  jasmine 85… tỉ lệ 55-60%. Nhóm giống thơm đặc sản: ST5, RVT, Nàng Hoa 9, VD 20… tỉ lệ 15 - 20%. Nhóm giống lúa nếp nếp IR4625, nếp Bè.. tỉ lệ <10%. Nhóm giống chất lượng trung bình có thể duy trì tỉ lệ <15% trong cơ cấu giống.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Dù năm nay hạn mặn vẫn diễn biến phức tạp, nhưng vụ đông xuân đã thắng lợi toàn diện. Lúa trúng mùa, giá cao, quan trọng nhất là lợi nhuận của người nông dân cao, chi phí sản xuất thấp. Tuy nhiên, câu chuyện hạn mặn và biến đổi khí hậu sẽ còn tiếp tục xảy ra ở ĐBSCL. Vì vậy, chúng ta tiếp tục lắng nghe các địa phương để tìm ra giải pháp căn cơ, bài bản hơn nữa trong thời gian tới.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.