| Hotline: 0983.970.780

Vụ phá rừng tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng: 70m3 gỗ quý tẩu tán ở đâu?

Thứ Sáu 15/03/2019 , 13:17 (GMT+7)

Một cán bộ VQG cho biết số gỗ mà lâm tặc khai thác, xẻ thành hộp khoảng 10-15m3. “Nhận định một phần gỗ được đưa về xuôi và một phần còn giấu trong rừng”- vị cán bộ này nói.

Như NNVN đã phản ánh, vụ phá rừng gỗ quý xảy ra tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Ngày 13/3, Văn phòng Tỉnh uỷ  Quảng Bình cho biết vừa có văn bản số 1508CV/VPTU truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng Đăng Quang-  Bí thư Tỉnh uỷ về việc giao UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý vụ việc nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, vào thời gian cuối năm 2018, một nhóm lâm tặc đã vào các tiểu khu (TK) 649-650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng Di sản VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (thuộc địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, khu vực sát biên giới Việt - Lào), cưa hạ 66 cây gỗ lớn và cắt, xẻ thành hộp. Tại hiện trường, chỉ còn lại gốc, cành ngọn và bìa gỗ. Qua kiểm tra ban đầu, có 45 cây gỗ mun bị cắt hạ, 21 cây còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài… Tổng khối lượng gỗ khoảng 70m3.

Để chấn chỉnh tình trạng trên nhằm ổn định tình hình quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh đã yêu cầu Hạt KL huyện Bố Trạch phối hợp Hạt KL VQG Phong Nha- Kẻ Bàng thành lập đoàn kiểm tra rừng khu vực biên giới trên địa bàn huyện, chú trọng vào các TK 649, 650 và các khu vực gần công trình đường ra biên giới.

Hiện trường vụ phá rừng tại TK 649

Ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục KL Quảng Bình - cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng KL tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng rừng của các đơn vị chủ rừng trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh không để hình thành điểm nóng về khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn quản lý”.

Đại tá Nguyễn Văn Thiện - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình - cho biết đã thành lập tổ công tác thanh tra hoạt động ở khu vực biên giới. Tổ công tác này cũng có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ phá rừng ở vùng lõi VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

Được biết, trên thị trường tự do gỗ mun có giá từ 100-150 triệu đồng/m3, tùy thuộc vào gỗ hộp hay gỗ lóng.

“Trong thời gian qua, lực lượng BĐBP tỉnh đã sát cánh với các cơ quan, đơn vị làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Giữa các bên đã có ký cam kết quy chế hoạt động, hỗ trợ rất rõ ràng và cụ thể trong nhiệm vụ bảo vệ rừng. Nhiệm vụ của tổ công tác cũng sẽ làm rõ vấn đề này”- Đại tá Thiện cho hay.
 

70m3 gỗ tẩu tán ở đâu?

Sở NN-PTNT Quảng Bình đã có cuộc họp khẩn với các ngành và lên kế hoạch thực hiện điều tra mức độ thiệt hại rừng tại các tiểu khu. Liên quan đến vụ phá rừng này, một cán bộ VQG cho biết số gỗ mà lâm tặc khai thác, xẻ thành hộp khoảng 10-15m3. “Nhận định một phần gỗ được đưa về xuôi và một phần còn giấu trong rừng”- vị cán bộ này nói.

Một gốc cây gỗ mun đã bị cưa hạ

Theo ông Đinh Huy Trí, Phó Giám đốc VQG, Phó Hạt trưởng Hạt KL VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, thì từ khu vực biên giới về xuôi chỉ có con đường độc đạo 20 Quyết Thắng. Trên tuyến đường này có 4 chốt, trạm gác do lực lượng KL thuộc Hạt KL VQG Phong Nha- Kẻ Bàng đảm nhận. Có 2 trạm có gác chắn barie. Mọi phương tiện vận tải khi đi qua các chốt, trạm gác đều được kiểm tra kỹ lưỡng mới được cho qua.

Trả lời câu hỏi liệu có sự thông đồng giữa lực lượng bảo vệ rừng với lâm tặc  để cho khối lượng lớn gỗ lậu đi về xuôi?- Ông Đinh Huy Trí cho hay cũng rất khó. Tuy nhiên ông cũng nhìn nhận trong vụ việc này, lực lượng KL VQG đã thiếu thông tin và nắm bắt vụ việc chậm.

Xét thấy đây là vụ việc phá rừng, khai thác gỗ trái phép nghiêm trọng, Ban quản lý VQG đã chỉ đạo Hạt KL VQG thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật. “Ngoài ra, VQG chỉ đạo tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc, phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào, ra khu vực biên giới để phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật trên địa bàn. Làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”- ông Trí nhấn mạnh.

Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình khẩn trương điều tra, làm rõ và truy tìm thủ phạm.

Những tấm bài cây gỗ mun còn sót lại

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất