Giữa năm 2015, Guzman, trùm băng đảng Sinaloa, bị cảnh sát Mỹ xếp hạng là “kẻ thù số 1 của công chúng”, đào thoát khỏi buồng giam có camera giám sát, an ninh kiểm soát chặt chẽ tầng tầng lớp lớp.
Đưa hàng nghìn tấn đất đá ra ngoài
Theo tài liệu do Mexico công bố, lúc 20h52 ngày 11/7/2015, trùm ma túy Joaquin "El Chapo" Guzman tẩu thoát khỏi phòng giam. Y bị giam tại nhà tù Altiplano, cơ sở giam giữ tội phạm có mức độ an ninh nghiêm ngặt nhất Mexico.
Điều tra hiện trường, cảnh sát Mexico phát hiện Guzman đã chui qua một lỗ hổng được đào sẵn tại “điểm mù”, nơi chiếc camera an ninh duy nhất lắp trong phòng không thể quét tới. Tên trùm ma túy nổi tiếng nhất thế giới đã trốn thoát bằng lỗ hổng này, nối với đường hầm dài 1,5 km được đào trong nhiều tháng.
Tờ Telegraph dẫn các nguồn thạo tin giới cảnh sát Mexico, cho biết để đào hầm, đưa hàng nghìn tấn đất đá ra ngoài, Guzman đã phải chi ra ít nhất 50 triệu USD kinh phí xây dựng và đút lót cho giới chức nhà tù.
Chính phủ Mexico sau đó treo thưởng 60 triệu pesos (3,8 triệu USD) cho bất cứ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ Guzman, kèm theo cảnh báo: “Tất cả mọi người liên quan đến vụ đào thoát sẽ bị trừng trị”. “Chúng ta đang nói đến một kẻ thù của xã hội, gây ra những thiệt hại to lớn cho Mexico. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để bắt trở lại tên trùm ma túy này”, Bộ trưởng Nội vụ Mexico Miguel Angel Osorio Chong, tuyên bố.
Osorio Chong nói việc truy lùng Guzman đã bắt đầu ngay khi trùm ma túy biến mất khỏi tầm nhìn camera khi hắn đi vào khu vực tắm rửa trong buồng giam. Cảnh sát phát hiện một đường hầm được đào từ ngoài vào, nối với khu vực tắm của Guzman. Khoảng cách từ mặt sàn nhà giam đến đáy hầm là hơn 18 mét. “Nó được thiết kế với kỹ thuật tinh vi, cho phép tên tội phạm ra ngoài với thời gian ngắn, gây khó khăn cho lực lượng an ninh khi truy bắt”, Osorio Chong nói.
Đường hầm có cả những lỗ thông khí được bố trí khéo léo, che mắt những người trên mặt đất gần đó. Thậm chí, trong hầm còn có cả xe máy được “độ” nhiều chi tiết giúp Guzman tăng tốc rời khỏi trại giam. Lối ra của đường hầm đặt trong một tòa nhà mới xây trên một ngọn đồi nhỏ, nơi này có tầm nhìn bao quát nhà tù, gần đó là một căn cứ của quân đội Mexico.
"Sự kiện phi thường"
Sự kiện Guzman vượt ngục được giới tội phạm Mexico tô vẽ, mô tả hắn như một người có thể trốn khỏi bất cứ nơi giam giữ nào. Trước đó, Guzman từng vượt ngục thành công năm 2001, nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật suốt 13 năm cho tới khi bị bắt lại. Khi đó, Guzman hối lộ cho giới chức nhà tù Puente Grande để núp mình trong xe chở quần áo đi ra hiệu giặt là bên ngoài.
Nhà tù thứ hai, vốn “đạt chuẩn quốc tế”, như khẳng định của ông Osorio Chong, chỉ giam được Guzman một năm rưỡi. 18 phút sau khi Guzman biến mất, nhà tù mới phát báo động. 48 giờ sau, Mexico mới truyền đi những hình ảnh mới nhất của Guzman tóc đã bị cạo gần trọc và không có bộ ria mép đặc trưng. Trước đó, hàng nghìn cảnh sát lao vào săn lùng Guzman, dựa trên các tấm ảnh cũ.
Khoảng 30 quan chức, nhân viên nhà tù đã bị điều tra, kỷ luật, sau khi camera giám sát buồng giam Guzman cho thấy trùm ma túy sở hữu nhiều vật cấm: một chiếc iPad, điện thoại di động và cả máy tính xách tay. “Guzman và đồng bọn rất quỷ quyệt, chúng tìm cách gắn được cả bóng điện vào đường hầm. Trong khi trốn, Guzman đập vỡ các bóng đèn làm chậm bước đuổi theo của cảnh sát”, Osorio Chong thanh minh.
Bộ trưởng nội vụ Mexico nhiều lần nhấn mạnh nhà tù Altiplano “đạt chuẩn quốc tế”. Lý giải về điểm mù camera, Osorio Chong cho biết ban đầu camera không có điểm mù, nhưng do vấn đề nhân quyền, khu vực tắm của Guzman sẽ không được camera kiểm soát.
Guzman cũng bị đeo vòng tay định vị, song hắn đã cắt vòng trước khi chui xuống hầm tẩu thoát, công cụ do bên ngoài tuồn vào qua đường hầm. “Đây là một sự kiện phi thường, dĩ nhiên, phá vỡ các giao thức an ninh ở bất cứ nhà tù nào trên thế giới”, Osorio Chong thừa nhận.
Nghi vấn cũng được đặt ra về cách Guzman đã hô hào 137 tù nhân, kể cả các thành viên ở băng nhóm đối thủ, để nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Mexico về chất lượng bữa ăn. Về lý thuyết, các tù nhân bị biệt giam rất ít có cơ hội tiếp xúc nhau.
Giới phân tích cho rằng vụ Guzman vượt ngục là ví dụ mới nhất về nạn tham nhũng đã bám rễ ở Mexico. “Không có gì ngạc nhiên, nếu chúng ta biết rằng các băng nhóm có thể móc nối với những kẻ tham nhũng trong cơ quan công quyền”, Chris Wilson, chuyên gia thuộc viện Mexico ở trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ, bình luận.
“Tại Mexico, có một "nhà nước" ngầm do tội phạm có tổ chức vận hành, mà giới chức từ chối thừa nhận”, Sergio Aguayo, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Harvard, cáo buộc.
Nhà tù Altiplano sau đó lên tiếng biện bạch, cho rằng các thiết bị cảm ứng bị tắt vì gần đó có một công trình ống dẫn nước do Mexico đang xây dựng và nhiều lần “gây báo động giả với hệ thống an ninh”. Tuy nhiên, nhiều quan chức, nhân viên nhà tù đã bị bắt, bị kỷ luật sau khi Mexico phanh phui sự móc nối giữa họ và Guzman.
Ngày 8/1/2016, khoảng nửa năm sau khi vượt ngục, Guzman bị bắt trong vụ đấu súng với đặc nhiệm Mexico tại Los Mochis, thành phố biển tại bang Sinaloa, quê của trùm ma túy. Lực lượng tham gia bắt Guzman có cả đặc nhiệm quân đội, cảnh sát, hải quân.
Vụ đào thoát chấn động Mexico, đặt ra nhiều dấu hỏi về nạn tham nhũng, câu kết giúp trùm ma túy có thể chỉ đạo đàn em từ xa. Giới phân tích đặt câu hỏi vì sao đường hầm được đào bới mà không gây ra bất cứ báo động nào, và vì sao công nhân đào hầm có thể tìm tới chính xác vị trí phòng tắm của Guzman. |