| Hotline: 0983.970.780

Vừa chống hạn, vừa lo lũ

Thứ Tư 15/05/2013 , 10:48 (GMT+7)

Quảng Ngãi sẽ có 15.570 ha lúa và 8.183 ha rau màu bị hạn đe dọa; khoảng 20.950 người bị thiếu nước sinh hoạt và 17.830 gia súc thiếu nước uống...

Quảng Ngãi sẽ có 15.570 ha lúa và 8.183 ha rau màu bị hạn đe dọa; khoảng 20.950 người bị thiếu nước sinh hoạt và 17.830 gia súc thiếu nước uống...

Đoàn công tác liên ngành do Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) dẫn đầu vừa về tỉnh Quảng Ngãi nắm bắt tình hình chống hạn cho vụ hè thu 2013 và kiểm tra an toàn hồ chứa trước mùa mưa bão.

Tất bật chống hạn

Theo dự báo, trong tháng 5/2013, dòng chảy của các con sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giảm. Đến tháng 7, tháng 8, dòng chảy các sông còn kiệt hơn. Lưu lượng dòng chảy trung bình các tháng trong mùa khô 2013 ở tỉnh này trên hầu hết các sông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, lượng nước trữ được trong 117 hồ chứa nước hiện chỉ đạt từ 35-40% so dung tích thiết kế.

Đến ngày 15/5, nông dân Quảng Ngãi sẽ bắt đầu gieo sạ 33.174 ha lúa. Ngoài ra, trong vụ hè thu này Quảng Ngãi sẽ SX 4.559 ha ngô, 6.333 ha rau đậu các loại và 1.675 ha lạc. Căn cứ vào tình hình nguồn nước hiện tại cùng với dự báo không mấy sáng sủa trong thời gian tới, vụ hè thu này ở Quảng Ngãi sẽ phải đối mặt với khô hạn gay gắt.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết: “Trong vụ hè thu này trên địa bàn Quảng Ngãi sẽ có 15.570 ha lúa và 8.183 ha rau màu bị hạn đe dọa. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 20.950 người bị thiếu nước sinh hoạt và 17.830 gia súc thiếu nước uống”.

Cứu cánh về nước tưới cho vụ hè thu 2013 ở Quảng Ngãi là 2 hồ chứa lớn Di Lăng, Liệt Sơn và công trình thủy lợi Thạch Nham do Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi quản lý. Thế nhưng, ông Nguyễn Nhung, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi, cho hay thực tế buồn: “Hồ Di Lăng có dung tích chứa 9 triệu khối nước hiện chỉ đạt 30%, hồ Liệt Sơn có dung tích chứa 28,7 triệu khối nhưng hiện chỉ đạt 37%. Còn tại công trình Thạch Nham, lưu lượng nước đến hiện chỉ đạt 60% so cùng kỳ năm ngoái".


Đoàn công tác Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công trình Thạch Nham

Trong vụ hè thu này, Cty có trách nhiệm tưới 21.035 ha diện tích cây trồng trong thời gian 100 ngày. Với tình hình nguồn nước và thời gian tưới như trên thì chỉ đến giữa vụ là hết nước. Do đó, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi quyết định dừng gieo sạ 750 ha đất SX ăn nước từ nguồn hồ Liệt Sơn theo lịch thời vụ (15/5). Nếu có mưa tiểu mãn xảy ra thì diện tích nói trên mới xuống giống.

Hiện Quảng Ngãi đang quyết liệt triển khai nhiều biện pháp chống hạn như: Quản lý chặt nguồn nước hiện có trên từng địa bàn; chống rò rỉ, thất thoát nước từ các hồ chứa; triển khai tưới tiết kiệm; khơi thông dòng chảy, nạo vét các cửa khẩu dẫn nước, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng, đắp đập bổi để ngăn mặn, giữ ngọt; bơm tát nước từ mực nước chết ở các hồ chứa, nước hồi qui ở các ao hồ và kênh chìm.

“Nếu nguồn nước Thạch Nham thiếu, chúng tôi sẽ chủ động điều tiết nước từ các hồ Núi Ngang, Liệt Sơn vào hệ thống kênh chính Nam sông Vệ để cứu lúa tại các huyện Mộ Đức, Đức Phổ. Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với BQL ĐT-XD Thủy lợi 6 (Bộ NN-PTNT) và Cty CP Thủy điện Nước Trong để điều tiết nước từ hồ Nước Trong ưu tiên cấp nước cho SX”, ông Nguyễn Mậu Văn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, cho biết thêm.

Nhiều công trình “răng rụng”

Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều hồ chứa nhỏ được xây dựng từ những năm đầu giải phóng. Do đầu tư không đồng bộ và thi công bằng phương pháp thủ công, lại qua nhiều năm khai thác nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trong suốt 4 tháng (từ 12/2012 đến 4/2013), ngành nông nghiệp tỉnh này đã thành lập đoàn kiểm tra an toàn của 99 hồ chứa nhỏ, có dung tích trữ dưới 3 triệu m3 và chiều cao thân đập dưới 15m. Phó GĐ Sở NN-PTNT Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn, cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có 43/99 hồ chứa bị xuống cấp, trong đó có 32 hồ xuống cấp nặng ẩn chứa nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới. Tuy là hồ nhỏ, nhưng nếu xảy ra sự cố sẽ gây họa không nhỏ cho những vùng dân cư sống cạnh hồ”.

Trước mùa mưa lũ dự báo sẽ rất khó lường trong năm nay, Quảng Ngãi đang canh cánh nỗi lo đối với các hồ chứa đứng trước nguy cơ không còn cầm cự được, sẽ bị vỡ. Đó là hồ chứa nước Đá Bàn được xây dựng từ năm 1977 tại xã Đức Tân (Mộ Đức), có dung tích chứa 940.000 m3, có nhiệm vụ tưới cho 120 ha đất SXNN, hiện các hạng mục cụm công trình đầu mối hồ gồm đập đất, tràn xả lũ và cống lấy nước đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ vỡ đập đất.

Đó là, hồ chứa nước Hóc Sầm được xây dựng vào năm 1985 tại xã Đức Phú (Mộ Đức) có dung tích chứa hơn 1.500 m3. Hiện nền đất dưới thân tràn xả lũ của hồ này đã bị cuốn trôi nặng trong mùa mưa lũ năm 2010. Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi đã xử lý tạm bằng cách khoan phụt chống thấm trước đập tràn và trước sân tiêu năng rộng 3m. Nếu mùa mưa lũ tới xảy ra dữ dội như dự báo, cột nước tràn đạt hoặc vượt thiết kế (vượt đỉnh tràn trên 0,5m) thì đập tràn xả lũ có khả năng bị lún, sập.

Đặc biệt, hồ Núi Ngang tại xã Ba Liên (Ba Tơ) đã bị hỏng hệ thống bơm dầu và xi lanh tràn xả lũ vào năm ngoái. Hiện đã mất khả năng đóng, mở cửa tràn. Theo ông Nguyễn Nhung, GĐ Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi, hệ thống này có 3 cửa và 6 xi lanh thủy lực. Hệ thống bơm dầu hỏng, khi vận hành, dầu phụt bắn cao đến 3m với lực rất mạnh, nếu đụng vào người đứng gần có thể xé rách thịt, do vậy không đủ lực để nâng cửa tràn lên.

“Ngành nông nghiệp ở Quảng Ngãi cần làm rõ nguyên nhân vì sao vùng tưới của công trình Thạch Nham bị hạn chế để có cơ sở đầu tư nâng cao năng lực tưới. Trước mắt, Quảng Ngãi cần lập Dự án đầu tư nâng cấp cho công trình này để trình Bộ”, ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT).

Trước mùa mưa lũ này, muốn nâng cửa tràn, phải tháo chốt pít tông để cửa tràn rời ra, sau đó dùng tời kéo cửa tràn lên. Nếu sau này không có giải pháp đóng cửa xuống thì ắt nhiên không thể tích nước (20 triệu m3) để phục vụ SX. “Năm nay, trước tình hình có nhiều công trình đứng trước nguy cơ mất an toàn, nên trong mùa mưa lũ, chúng tôi kiến nghị chính quyền các địa phương thành lập các đội cứu hộ tại chỗ gồm các lực lượng quân đội, thanh niên, dân quân tự vệ... để ứng cứu công trình nếu có sự cố xảy ra”, ông Nhung nói.

Ngoài ra, theo thiết kế, vùng tưới của Công trình thủy lợi Thạch Nham là 50.000 ha, thế nhưng hiện chỉ tưới được 25.000 ha. Nguyên nhân do các đoạn kênh chính Nam, chính Bắc đi qua vùng cao lanh, cát chảy nên nền đất mềm, thường xuyên bị bồi lấp làm hạn chế khả năng tưới và có khả năng bị sạt, trượt mái gây vỡ kênh. Các cầu máng, xi phông nằm trong vùng lũ quét, các đập điều tiết tưới tiêu ngăn mặn, giữ ngọt thường xuyên bị bèo, vật cản mắc vào gây tăng lũ vùng thượng lưu, gây lũ quét vùng hạ lưu và làm mất an toàn cho công trình.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.