Là vùng biển bãi ngang nên xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), gặp nhiều gian khó trong đời sống kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Hữu Hiến, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay: “Toàn xã có gần 1.700 hộ thì tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 12%. Những năm gần đây, chúng tôi đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế biển, nuôi trồng và chế biến hải sản… nên tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đã giảm xuống đáng kể. Đời sống của người dân ngày càng được nâng cao”.
Nhằm từng bước nâng cao hiệu quả khai thác biển, xã Ngư Thủy đã vận động bà con ngư dân lồng ghép các nguồn vốn vay để nâng cấp thuyền, ghe, mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với ngành nghề. Đến nay, toàn xã có gần 700 phương tiện thuyền ghe đánh bắt trên vùng lộng. Sản lượng khai thác biển đều tăng qua hàng năm với trên 1.000 tấn hải sản các loại.
“Hiện bà con đã chuyển hướng sang khai thác cá tạp để phục vụ cho việc nuôi cá lóc trên cát, hoặc chuyển sang khai thác các loại đặc sản có giá trị kinh tế cao như câu mực ống, lưới cá chim. Vì vậy, hiệu quả khai thác biển ngày càng cao, cho ngư dân thu nhập tăng lên”, ông Hiến cho hay.
Đến nay, phong trào nuôi cá lóc trên cát đã phát triển khá mạnh ở xã vùng biển này. Từ những hộ nuôi ban đầu có hiệu quả, đến nay toàn xã có gần 400 hộ nuôi cá. Sản lượng hàng năm đạt khoảng 1.100 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng.
Ngư dân Ngô Văn Thế có 2 thuyền đánh bắt trên biển. Ông Thế trò chuyện rằng, mỗi chuyến đi biển trong ngày về cũng có được khoảng 2 tạ cá tạp. Loại cá này đưa về làm thức ăn cho 2 hồ nuôi cá lóc, vừa chủ động được nguồn thức ăn cho cá và cá nhanh lớn hơn.
“Lãi mỗi năm từ nuôi cá cũng được trên 200 triệu đồng. Trong đó coi như đã có phần của việc khai thác trên biển đó”, ông Thế hồ hởi nói.
Để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm cá lóc, xã Ngư Thủy tạo điều kiện thành lập Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ thủy sản Ngư Nam (HTX Ngư Nam), với ngành nghề chính là thu mua, chế biến sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị. Sản phẩm khá đặc sắc này đã được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2021, là cơ hội để sản phẩm cá lóc vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Đến nay, sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc HTX Ngư Nam, cho biết ở Ngư Thủy, nguồn nguyên liệu thủy sản tương đối lớn nhưng giá thành thấp hơn những nơi khác. Việc tạo nên thương hiệu sản phẩm cá lóc khô tẩm gia vị là hướng đi mới có nhiều triển vọng giúp bà con tiêu thụ lượng lớn cá lóc tươi, chống tình trạng thương lái ép giá.
“Ngoài tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, HTX chúng tôi đồng hành cùng bà con quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để xây dựng và phát triển sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương”, ông Phước nói thêm.
Chúng tôi đã đến thăm gia đình bà Trần Thị Nghị ở thôn Thanh Liêm. Là một hộ nghèo, được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, gia đình bà đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Khi được hỗ trợ vay vốn, bà Nghị mở ngành nghề dịch vụ, làm hương và chổi đót. Mặc dù sản xuất quy mô nhỏ lẻ nhưng cũng giúp cho gia đình bà có thu nhập ổn định và thoát nghèo. Bà Nghị chia sẻ: "Khi cảm thấy cuộc sống gia đình đã ổn định hơn, tôi đã mạnh dạn xin ra khỏi hộ nghèo, để góp phần giảm bớt số hộ nghèo trong xã, để dành nguồn hỗ trợ cho hộ nghèo khác".
Cùng với nỗ lực thoát nghèo của các hộ dân, xã Ngư Thủy đã triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Theo đó, nhiều hộ nghèo đã được hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm và hưởng nhiều chính sách an sinh xã hội khác.
Nói về hiệu quả của hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho hộ nghèo, ông Nguyễn Hữu Hiến thông tin, xã có 20 hộ nghèo tham gia dự án, trong đó có 16 hộ đã phát huy đồng vốn, phát triển kinh tế có hiệu quả và đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân nhằm thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
"Với sự nỗ lực, cố gắng của người dân và chính quyền địa phương trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 7% theo chuẩn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 55 triệu đồng/năm. Đời sống của bà con ngày càng được nâng lên. 100% số hộ có tivi và các phương tiện nghe nhìn khác, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 93%", ông Nguyễn Hữu Hiến cho biết.