Phù Hóa là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, từ sự quan tâm của các cấp, các ngành đã hỗ trợ nhiều chương trình, dự án, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Hiện xã Phù Hoá có trên 1.200 hộ dân với hơn 4.200 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo gần 7,8% (theo chuẩn mới) tổng số hộ. Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa, cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn, lại có địa hình thấp trũng nên từ bao đời nay, mỗi khi đến mùa mưa lũ, Phù Hóa thường xuyên bị chia cắt. Đời sống của bà con đã khó khăn lại càng khó khăn thêm”.
Được sự hỗ trợ từ nguồn vốn giảm nghèo từ cuối tháng 5/2022, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Trạch cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp, triển khai mô hình nuôi gà ri lai tại 22 hộ nghèo, cận nghèo của xã Phù Hóa.
Các hộ dân được hỗ trợ gần 6.000 con gà giống ri lai, trên 6 tấn thức ăn cho gà và thuốc phòng trừ dịch bệnh và một số thiết bị phục vụ chăn nuôi, trị giá khoảng 300 triệu đồng. Trước khi thực hiện mô hình, các hộ dân cũng được hướng dẫn quy trình nuôi, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Sau hơn bốn tháng chăm sóc theo kỹ thuật đã được hướng dẫn, đàn gà của bà con nông dân sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ gà sống đạt trên 95%, trọng lượng trung bình đạt từ 1,5 - 2 kg/con. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi hộ gia đình có nguồn thu nhập khoảng trên 20 triệu đồng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lệ thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Khi được hỗ trợ mô hình nuôi gà lai ri, chị mừng lắm. Sau 4 tháng, gia đình có thu nhập trên 20 triệu đồng, là động lực để tiếp tục phát triển mô hình này.
“Được sự quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế chăn nuôi, gia đình tôi đã có điều kiện để gây dựng mô hình nuôi gà ri lai. Sau khi đã nuôi gà ri lai thành công, gia đình tiếp tục phát triển thêm số lượng nuôi, mở rộng mô hình để tăng thu nhập. Nhờ từ chăn nuôi, hàng năm, gia đình có thu nhập trên 50 triệu đồng”, chị Lệ chia sẻ.
Xã Phù Hóa có diện tích trồng lúa gần 100ha. Những năm trước, ruộng đồng chưa được đầu tư nên năng suất lúa đạt thấp. Nhờ có các chính sách hỗ trợ giống, cơ sở hạ tầng ruộng đồng nên bà con đã đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác. Nhiều giống lúa mới chất lượng cao như VNR 20, HG 12… đã dần thay thế giống cũ trên đồng. Nhờ giống mới, canh tác kỹ thuật mới nên năng suất lúa trung bình từ 50 tạ/ha tăng lên trên 60 tạ/ha.
Ông Hoàng Văn Thông (nông dân thôn Hậu Thành) đang thu hoạch lúa. Ông cho biết, nhờ lối canh tác mới và giống mới do huyện hỗ trợ, gia đình ông đã chăm chút 5 sào ruộng sạch sâu bệnh. “Vụ mùa này, bà con được lúa lắm. Quanh vùng, năng suất gần 63 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Được mùa nên bà con phấn khởi lắm”, ông Thông hồ hởi.
Với những chính sách hỗ trợ, người dân xã Phù Hóa tiếp cận với vốn vay, được hỗ trợ các giống vật nuôi như gà, ngan, bò… để xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả. “Chúng tôi đang phấn đấu đến cuối năm giảm tỷ lệ hộ nghèo về dưới 5,8%”, ông Tâm cho hay.
Nằm ở vị trí bên sông Gianh, sát đường quốc lộ 12A, nhưng Phù Hóa lại ở vị trí thấp trũng và bị chia cắt trong mùa mưa lũ. Người dân mong đợi có được tuyến đường, cầu vượt lũ vững chãi để con đi học được an toàn. Người dân đau ốm cần cấp cứu có thể đến trạm y tế, bệnh viện bất cứ lúc nào.
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân xã Phù Hóa, bằng các nguồn vốn, tỉnh và huyện đã đầu tư dự án đường, cầu vượt lũ với tổng kinh phí khoảng 50 tỷ đồng.
“Dự án đang được thi công và sẽ hoàn thành sớm trước thời gian. Khi đưa vào hoạt động, tuyến đường và cầu vượt lũ sẽ là điểm nhấn thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ nay sẽ chấm dứt được tình trạng bị cô lập và tạo thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy công tác giảm nghèo ở địa phương”, ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Phù Hóa nhìn nhận.