Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam và Ủy hội sông Mekong Quốc tế, mực nước lũ trong tháng 10 trên dòng chính sông Mekong có xu thế tăng mạnh do ảnh hưởng của cơn bão số 6, và số 7 gây mưa lớn trên lưu vực vào nửa đầu tháng 10.
Đỉnh lũ tại Kratie năm 2020 đạt 19,05 m vào ngày 21/10. Đến 7h ngày 31/10, mực nước tại Kratie là 16,19 m, cao hơn 3,49 m so với TBNN (12,70 m), cao hơn 7,79 m so với năm 2019 (8,40 m), cao hơn 5,71 m so với năm 2015 (10,48 m), và cao hơn khá nhiều so với 2000, 2018 cùng kỳ.
Mực nước Biển Hồ trong tháng 10 có xu thế tặng mạnh, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối tháng 10 do mưa lớn. Mực nước Biển Hồ ngày 31/10 đạt 6,46 m, thấp hơn 1,78 m so với TBNN (8,24 m), cao hơn 0,46 m so với năm 2019 (6,00 m), cao hơn 0,81 m so với năm 2015 (5,65 m), và thấp hơn nhiều so với 2000, 2011 cùng kỳ.
Do mực nước tăng, dung tích Biển Hồ có xu thế tăng mạnh trong tháng 10. Đến ngày 31/10/2020, dung tích đạt 30,60 tỷ m3, xấp xỉ 63% so với dung tích TBNN (91-2019) cùng kỳ, cao hơn 16% so với năm 2019 (26,41 tỷ m3 ), cao hơn 29 % so với năm 2015 (23,66 tỷ m3 ), thấp hơn nhiều so với năm 2000, và 2011.
Do lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu, và trạm Châu Đốc có xu thế tăng mạnh trong 2 tuần giữa tháng 10. Mực nước tuy vẫn thấp hơn khá nhiều so với TBNN nhưng cao hơn khá nhiều so với năm 2019, năm 2015 và năm 2018 trong thời gian nửa cuối tháng 10. Mực nước tăng mạnh nhất trong tuần 3 tháng 10 và đạt đỉnh lũ chính vụ tại Tân Châu 2,88 m vào ngày 22/10, tại Châu Đốc 2,75 m vào 19/10.
Đến 31/10, mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu đạt 2,7 m, thấp hơn 0,54 m so với TBNN (3,24 m), cao hơn 0,83 m so với năm 2019 (1,87 m), cao hơn 0,40 m so với năm 2015 (2,30 m). Mực nước lớn nhất tại Châu Đốc đạt 2,61 m, thấp hơn 0,38 m so với TBNN (2,99 m), cao hơn 0,60 m so với năm 2019 (2,01 m), cao hơn 0,46 m so với năm 2015 (2,15 m).
Theo kết quả dự báo của Trung tâm Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), mưa dự báo trong tháng 11 hầu hết xấp xỉ TBNN, chỉ riêng một phần của khu vực hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, và Tây Nguyên của Việt Nam có mưa dự báo cao hơn TBNN, tuy nhiên cao hơn không nhiều, chuẩn sai mưa dương biến đổi từ 0,25 – 0,5 mm/ngày
Về triều cường trong tháng 11: Đỉnh triều chủ yếu đạt vào các ngày giữa tháng, đỉnh triều cao nhất tại trạm Gành Hào (2,43 m), đỉnh triều thấp nhất tại trạm Hà Tiên (0,70 m); chân triều thấp nhất đạt vào các ngày đầu và cuối tháng 11, chân triều thấp nhất tại trạm Vũng Tàu (-0,66 m), chân triều cao nhất tại trạm Sông Đốc (0,29 m).
Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long trong tháng 11 chịu ảnh hưởng mạnh bởi triều cường. Mực nước có xu thế tăng và đạt đỉnh vào giữa tháng, sau đó giảm trở lại đến cuối tháng. Mực nước trong tháng 11 nhận định cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm 2019, 2015. Mực nước lớn nhất tháng 11 tại Tân Châu đạt 2,8 m, tại Châu Đốc đạt 2,51 m. Mực nước lớn nhất cuối tháng 11 tại Tân Châu đạt 2,0 m, tại Châu Đốc đạt 1,95 m.
Ứng với mức lũ tháng 11 trên sông Cửu Long, lũ nội đồng ở vùng thượng ĐBSCL nhận định thấp hơn khá nhiều so với mức BĐ1, nên hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa thu đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình và đảm bảo an toàn.
Đối với vùng lõi và ven biển ĐBSCL: Mực nước có khả năng đạt trên mức BĐ3 vào giữa tháng 11. Các khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của triều, đặc biệt các tỉnh thành như: TP. Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Bến Tre nhiều nguy cơ sẽ bị ngập nước khi triều cường đạt đỉnh.
Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam nhận định, lũ đầu nguồn ĐBSCL trong tháng 11 nhận định ở mức thấp, vì vậy về cơ bản vùng Thượng ĐBSCL không bị ảnh hưởng của lũ đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên triều cường giữa tháng 11 được dự báo ở mức cao. Vì vậy khu vực các tỉnh vùng lõi và ven biển cần có các phương án ứng phó như gia cố các tuyến bờ bao bảo vệ sản xuất đang bị xuống cấp, hoặc cao trình thấp có nguy cơ cao bị ảnh hưởng khi triều cường đạt đỉnh.
Một số khu vực trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn thuộc các tỉnh vùng ven biển hiện nay cao độ cốt nền đang ở mức thấp cần đề phòng khi triều cường đạt đỉnh.