Cuối năm là khoảng thời gian nhạy cảm để các đối tượng xấu lợi dụng lưu lượng người, phương tiện lưu thông trên địa bàn lớn để lấn chiếm, phát rừng tự nhiên, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép.
Để ngăn chặn nguy cơ đó, tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện, thành lập các đoàn công tác động viên, yêu cầu lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các chủ rừng chủ động xây dựng phương án, phân công lực lượng trực 24/7 tại các vị trí rừng già, vùng có nguy cơ bị xâm hại, vùng đang thi công các dự án trọng điểm có liên quan đến rừng để tăng cường công tác bảo vệ trước, trong và sau tết.
Tại phân trường Ngã Đôi, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, ít nhất gần 200 ha lim xanh với tuổi đời gần 80 năm là “miếng mồi” béo bở của lâm tặc. Mỗi cây gỗ lim sau nhiều năm được Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn bảo vệ có chiều cao từ 15 đến 20 m; đường kính hơn 1m, giá trị kinh tế rất cao.
Theo ông Lưu Trọng Bằng, Trạm bảo vệ rừng Ngã Đôi, Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn, ngoài cây lim xanh, trên diện tích do trạm quản lý, bảo vệ còn có nhiều loài gỗ quý như dổi, táu, sến, thậm chí cây đinh hương. Do đó, vào những ngày cuối năm không ít đối tượng rình rập để vào đốn cây về dựng nhà, làm công trình phụ. Những lúc đó, lực lượng kiểm lâm, công nhân bảo vệ rừng của trạm kịp thời phát hiện, ngăn chặn người dân vi phạm.
“Rừng của chúng tôi được xếp vào diện rừng giàu nên ngoài gỗ quý, động vật hoang dã sinh sống trong rừng cũng khá phong phú, đa dạng và phân bố đều tại hầu hết các tiểu khu. Do đó, giải pháp chính ngăn chặn đối tượng xấu chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã là chốt chặn thường xuyên tại cửa rừng; đồng thời xây dựng đội ngũ cộng tác viên giám sát người vào rừng nhằm dập tắt ý tưởng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng từ sớm”, ông Bằng chia sẻ thêm.
Hiện nay, các khu vực rừng xung yếu Công ty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn tập trung bảo vệ nằm ở các tiểu khu 5, 17 thuộc xã Sơn Hồng; tiểu khu 38, 39A, xã Sơn Tây; tiểu khu 46, 50 thuộc xã Sơn Kim 1…
Ông Lê Ngọc Danh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hương Sơn cho rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến áp lực bảo vệ rừng dịp tết gia tăng, thứ nhất người dân sống gần rừng cần nguồn lực để trang trải cuộc sống, thứ hai, lưu lượng người, phương tiện lưu thông qua các địa bàn lớn gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát của ngành chức năng.
“Đành rằng là việc làm thường niên nhưng chúng tôi quán triệt anh em kiểm lâm viên phải nâng cao cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, chủ rừng chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý người, phương tiện ra vào rừng; đặc biệt giám sát rừng qua camera, phòng cháy chữa cháy rừng từ sớm.
Khi phát hiện đối tượng vi phạm, kiên quyết xử lý, tham mưu xử lý nghiêm để tăng tính răn đe”, ông Danh nhấn mạnh.
Đối với thị xã Kỳ Anh, mặc dù tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp quản lý chưa đến 11.000 ha, tuy nhiên nguy cơ xâm hại rừng, đất lâm nghiệp cũng rất lớn. Bởi, trên địa bàn đã và đang triển khai thi công nhiều dự án trọng điểm như: Dự án đường điện 500 KV mạch 2, dự án đường cao tốc Bắc - Nam và dự án điện gió. Cả ba dự án này đều liên quan đến diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Với số lượng người và phương tiện được đưa vào các dự án làm việc khá đông, điều này tiềm ẩn nguy cơ cao về xâm hại rừng. Bên cạnh đó, thị xã Kỳ Anh là địa bàn giáp ranh với tỉnh Quảng Bình, có quốc lộ 12 đi qua nên lợi dụng những thời điểm đêm tối và những lúc thời tiết mưa gió, các đối tượng thường lén lút buôn bán, vận chuyển gỗ và động vật hoang dã trái phép.
Ông Đào Đức Giang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết, đơn vị xác định thời điểm trước, trong và sau tết sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật bảo vệ rừng nên ngoài trách nhiệm chính của chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán, chế biến lâm sản trái phép.
Phía hạt cũng đã quán triệt sâu rộng đến cán bộ, nhân viên, người lao động đề cao tinh thần cảnh giác, tăng cường tuần tra, kiểm soát, phối hợp bắt giữ và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 359.000 ha rừng và đất chưa có rừng; trong đó, diện tích đất có rừng hơn 314.000 ha. Năm 2024, lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý 126 vụ vi phạm lâm luật; trong đó xử lý hình sự 1 vụ; phạt hành chính 115 vụ; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.
Nhờ bảo vệ rừng tại gốc hiệu quả đã góp phần nâng độ che phủ rừng toàn tỉnh lên đạt 52,58%.