Ngày 13/9, thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) với sức gió mạnh, mưa lớn, lũ lụt và sạt lở đất đã làm ảnh hưởng đến hàng triệu người dân ở các tỉnh miền Bắc của Việt Nam.
Tại nhiều nơi, cơn bão đã làm gián đoạn nguồn cung cấp nước thiết yếu cho các hộ gia đình và cơ sở y tế, khi lũ lụt, sạt lở đất, gió mạnh và cây đổ đã làm hư hỏng cơ sở hạ tầng nước và điện, sự tàn phá nặng nề này có thể mất nhiều tuần hoặc thậm chí lâu hơn nữa để sửa chữa và khắc phục.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, bày tỏ sự đau buồn khi số người thiệt mạng vẫn đang tiếp tục tăng và còn nhiều người ở trong vùng có nguy cơ gặp nguy hiểm do hậu quả của bão lũ.
Là một phần trong nỗ lực của WHO để hỗ trợ Chính phủ ứng phó với hậu quả của bão Yagi, WHO đã vận chuyển khẩn cấp và bàn giao 1 triệu viên khử trùng nước Aquatabs và 500 thùng chứa nước tới Bộ Y tế vào ngày hôm qua (12/9). Dự kiến trong ngày hôm nay, sẽ được vận chuyển đến các khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Đóng góp này sẽ giúp cung cấp khoảng 15 triệu lít nước sạch - đảm bảo nguồn nước uống an toàn trong nhiều ngày, nhiều tuần tới cho các hộ gia đình dùng trong ăn uống, cũng như giúp đảm bảo cho các cơ sở y tế có thể tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ cho người dân tại 8 tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Bắc Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Thái Nguyên và Yên Bái.
“Nước sạch rất quan trọng để giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua nước và thực phẩm, để giúp các cơ sở y tế tiếp tục vận hành một cách an toàn và duy trì việc chăm sóc bệnh nhân, cho dù đó là những người bị thương trong bão, lũ, hay những người cần chăm sóc sức khỏe khẩn cấp hàng ngày”, Tiến sĩ Angela Pratt cho biết thêm.
Theo ông Dương Đức Thiện, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, trước những thiệt hại và tàn phá nghiêm trọng mà bão Yagi đã gây ra, Bộ Y tế đã chính thức yêu cầu viện trợ quốc tế.
"Chúng tôi rất biết ơn những hỗ trợ của các đối tác đáng tin cậy như WHO để hỗ trợ chúng tôi trong công tác ứng phó tức thời và công cuộc phục hồi về lâu dài”, ông Dương Đức Thiện nói.
WHO, cùng các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, đã tham gia vào các nhóm đánh giá chung được triển khai phối hợp cùng với Chính phủ để hiểu hơn về mức độ thiệt hại, đánh giá nhu cầu và đảm bảo sẵn sàng các hỗ trợ mục tiêu.
WHO cũng đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền các địa phương và Trung ương nhằm giám sát và nỗ lực ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, nước và các bệnh truyền nhiễm khác trong những tuần và tháng tới. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ Chính phủ huy động thêm các nguồn lực cần thiết.
Ngoài ra, với sự hỗ trợ từ USAID, WHO đang hợp tác với các đối tác của Chính phủ để phát sóng các thông điệp về đảm bảo an toàn bằng nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số thông qua đài phát thanh địa phương và loa phóng thanh cộng đồng nhằm giúp đảm bảo các cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những vùng sâu vùng xa, nhận được thông tin quan trọng về an toàn sức khỏe.
Tiến sĩ Pratt cho biết thêm, WHO đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực ứng phó và khắc phục hậu quả theo mọi cách có thể.
Theo báo cáo nhanh từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), tính đến 7h ngày 13/9, số người chết và mất tích do bão số 3 (Yagi), mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc tăng lên 336 người; 823 người bị thương; 263.700ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị hư hại; gần 1,8 triệu con gia súc, gia cầm bị chết; trên 1.800 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; khoảng 204.400 nhà ở bị ngập và hư hỏng. Hiện các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại.